MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đọc báo Xuân Lao Động 50 năm trước: Khát vọng tầm cao mùa xuân

Linh Anh LDO | 23/01/2023 06:05

Tết Quý Sửu 1973 là một cái Tết đặc biệt. Sau hàng chục năm trời, người dân Miền Bắc mới được đón một mùa xuân yên bình.

Trước Tết Nguyên đán chỉ mấy ngày, ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Hiệp định mở ra một bước ngoặt mới cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Hiệp định Paris  còn là một mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, là thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh trong cuộc chiến gay go, khốc liệt trên bàn đàm phán.  

Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, ghi dấu mốc son quan trọng đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả lịch sử thế giới trong thế kỷ XX. Kết quả của Hiệp định Paris phản ánh sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế - gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam với phong trào yêu chuộng hòa bình của nhân dân tiến bộ trên thế giới - hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Bìa báo Xuân Lao Động năm 1973. Ảnh: LINH ANH

Thắng lợi của Hiệp định Paris đã khẳng định: Muốn phát huy sức mạnh tổng hợp, điều quan trọng trước tiên và cơ bản nhất là Đảng lãnh đạo vạch ra được một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, có khả năng khai thác, động viên và tập hợp mọi lực lượng, hạn chế đến mức thấp nhất mọi trở lực, khoét sâu đến mức cao nhất những nhược điểm và khuyết điểm của đối phương. Đường lối cách mạng đúng đắn là điều kiện cơ bản cho cách mạng thành công, là nhân tố chủ yếu để chuyển yếu thành mạnh, lấy ít thắng nhiều. Nhìn lại con đường dân tộc ta đã đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, thấy rõ bất cứ thời đại nào, giai đoạn nào, Đảng ta vẫn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng nước ta.

Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét trong báo Xuân Lao Động năm ấy. Bìa báo giản dị với tranh cổ động là người công nhân khỏe mạnh, cầm bó hoa tươi thắm rạng ngời giữa mùa xuân yên bình.

Ngay trên trang nhất là thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và bài xã luận “Tầm cao mùa xuân”.

Bài xã luận mở đầu bằng: “Đất nước lại sang xuân. Chung quanh chúng ta, mặt đất còn chưa nguội hơi nóng của bom thù, nhưng hoa xuân đã nở rộ”.

Không khí vui tươi, lạc quan, hừng hực không khí xây dựng đất nước của mùa xuân 1973 còn được nhấn mạnh trong bài xã luận: “Những lá cờ đỏ thắm trên nhà máy, công trường, trên đoàn xe, trước con tàu của ta, tung bay trong gió xuân giục giã. Công việc còn bề bộn khá nhiều, đòi hỏi sức lao động quả cảm và sáng tạo của chúng ta. Trong không khí của mùa xuân, trong không khí rạo rực của ngày mới, chúng ta nghe tiếng Bác Hồ dặn: Xây dựng lại đất nước đàng hoàng  hơn, to đẹp hơn. 

Chúng ta tiến lên ngang tầm cao của Mùa Xuân đại thắng”.

Cùng trong số báo Tết này, bài viết “Nhà máy này, mùa xuân này” thể hiện không khí làm việc hăng say của những con người lao động: "Đất nước vào xuân. Một mùa xuân chiến thắng. Các anh, những người thợ của nhà máy ta cầm súng vẫn đang hành quân trên các chiến trường. Chúng tôi ở đây vẫn chong đèn chạy máy ngày đêm. Và ngoài kia, trận địa của nhà máy ta nở tươi màu lẵng hoa Bác Tôn vừa trao vẫn cảnh giác canh trời Hà Nội, canh riêng cho cả vùng trời nhỏ bé của nhà máy mình”.

Không khí mùa xuân  còn phơi phới trên những trang thơ xuân. Hãy đọc những dòng thơ của Thái Giang: 

“Hiểu chồi hồng mọc giữa cơn đau

Hiểu giá mùa xuân khi biết ngẩng cao đầu…

Hiểu vầng trán con người tuyệt đẹp

Là khi nghĩ suy, là khi làm việc…”

Hay sự lạc quan của Nguyễn Trọng trong bài Đóa hồng Trương Định:

“Kỳ lạ chưa, còn một đóa hồng

Giữa bao nhà đổ, bức tường cong

Sau đêm hủy diệt, về Trương Định

Kìa, đóa hồng tơ ríu cánh ong”

*  *  *

50 năm đã trôi qua, lật giở những trang báo của thế hệ đi trước, thế hệ làm báo hôm nay dạt dào niềm tự hào. Tự hào vì những trang báo, những bài báo thấm đẫm nhân văn nhưng cũng đầy hào hùng thể hiện khí phách hiên ngang của một dân tộc vừa trải qua những tháng ngày mưa bom bão đạn.

Và trên hết, là tinh thần lạc quan, ý chí đóng góp xây dựng xã hội của mỗi con người, để đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Tinh thần ấy vẫn còn cho đến ngày hôm nay và mai sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn