MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo cây đàn violon được chế tác từ gốc cà phê

Phan Tuấn LDO | 11/03/2023 10:09

Nghệ sĩ Nguyễn Trường người nổi tiếng với cây đàn violon tre đi vào kỷ lục Việt Nam nay lại tiếp tục sáng tạo ra một cây đàn violon độc đáo khác làm từ gốc cà phê. Cây đàn "độc nhất vô nhị" này đã tạo sức hút ngay giữa thềm Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Đắk Lắk

Nhiều người lắng nghe tiếng đàn violon cà phê do thầy Trường sáng tạo. Ảnh: Phan Tuấn

Bén duyên với âm nhạc ở vùng thủ phủ cà phê

Năm 2021, nghệ sĩ Nguyễn Trường nổi tiếng với việc sáng tạo ra cây đàn violon bằng tre được Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam ghi danh vào kỷ lục Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Trường, ông có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Thế nhưng, mãi đến năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc tại Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) thì ông Nguyễn Trường mới có thể bén duyên với lĩnh vực này. 

Thời điểm này, chàng sinh viên mới ra trường đặt chân lên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của cây cà phê để sinh sống và giảng dạy âm nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Đến năm 1987, ông Nguyễn Trường đã trở thành là Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Trên con đường âm nhạc của mình, thầy Trường đã có 30 năm gắn bó với công tác giảng dạy, quản lý, đào tạo tại Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. 

Mặc dù công việc chủ truyền dạy các loại nhạc cụ mang âm hưởng hiện đại như piano, ghi ta, violon... nhiều hơn nhưng thầy Trường vẫn bị mê hoặc bởi các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Độc đáo cây đàn violon bằng gốc cà phê. Ảnh: Phan Tuấn

Cũng bởi tình yêu sâu sắc với các nhạc cụ dân tộc nên thầy Trường đã ấp ủ ý định chế tác ra một nhạc cụ vừa hiện đại vừa gần gũi với vùng đất và con người của Tây Nguyên.

Bước ngoặt trên con đường chế tác nhạc cụ của thầy Trường là vào năm 2018. Đó là thời điểm thầy mà thầy Trường không còn đứng trên giảng đường mà nghỉ hưu theo chế độ.

"Sau khi về hưu, tôi đã dành nhiều thời gian cho những chuyến dã ngoại và tìm hiểu văn hóa của các buôn làng ở Tây Nguyên. Tôi được đi đây, đi đó, được gặp bàn bè, người thân, khám phá những thứ rất gần gũi trong cuộc sống đời thường. Lúc này thì khả năng sáng tạo âm nhạc trong tôi mới thực sự bộc phát" - thầy Trường cho biết.

Một ngày, thầy Trường có dịp đến thăm gia đình người bạn có nhiều thế hệ gắn bó với cây cà phê ở huyện Krông Pắk. Lúc này, những câu chuyện từ thời người Pháp lập nên những đồn điền về cây cà phê cho đến tận ngày nay đã cuốn hút thầy Trường lúc nào không hay.

Nhiều người tìm đến nhà thầy Trường để hỏi thăm về cây đàn violon cà phê. Ảnh: Phan Tuấn

Ngay lập tức, thầy Trường nghĩ ngay đến việc sáng tạo ra một dụng cụ âm nhạc gì đó bằng gốc cà phê.

Khi vừa nhen nhóm ý định, người bạn của thầy Trường liền vào trong nhà mang ra một gốc cà phê lâu đời để tặng cho ông. Theo thầy Trường, giá trị gốc cà phê không cao nhưng đây là vật kỷ niệm gia đình bạn thầy giữ lại sau khi đã tái canh giống cà phê cũ bằng giống mới. 

Trên đường trở về nhà, thầy Trường luôn trăn trở suy nghĩ làm sao biến gốc cà phê "vô tri vô giác", thứ mà mọi người thường cho vào lò đốt than trở thành dụng cụ âm nhạc.

Độc đáo giữa lễ hội cà phê

Sau một thời gian suy nghĩ, thầy Trường quyết định chế tác gốc cà phê thành một cái thùng rỗng. Sau đó, bằng khả năng sáng tạo thầy trường đã biến gốc cà phê này trở thành cây đàn violon cà phê. 

Tận mắt chứng kiến thầy Trường biểu diễn ở Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, chúng tôi thấy âm thanh phát ra rất vang và trong trẻo nhưng cũng chứa đựng sự mộc mạc pha lẫn hiện đại.

Nhiều người thích thú lắng nghe âm thanh phát ra từ cây đàn vilon cà phê. Ảnh: Phan Tuấn

Chia sẻ về sự độc đáo của cây đàn, thầy Trường cho hay, âm thanh từ cây đàn violon bằng gốc cà phê phát ra rất đậm chất mộc của loại cây đặc trưng nhất vùng Tây Nguyên.

Về tính năng, violon cà phê có thể diễn tấu được mọi cung bậc của âm thanh và có thể thoả mãn mọi nhu cầu về diễn tấu của một nhạc công chuyên nghiệp.

Theo thầy Trường, hơn 40 năm gắn bó với vùng đất con người Tây Nguyên, thầy đã cảm nhận được sự phát triển kinh tế - xã hội từng ngày của con người và vùng đất nơi đây. 

Hòa theo dòng chảy của sự phát triển đó, thầy Trường đã lĩnh hội được những nét đặc sắc về văn hóa, con người ở vùng đất cao nguyên lộng gió.

"Đối với việc sáng tạo nên những dụng cụ âm nhạc độc đáo thì tôi chỉ là mảnh ghép cuối cùng để tạo nên những sản phẩm âm nhạc đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của con người Tây Nguyên. Chính vùng đất nơi đây đã nuôi dưỡng và giúp tôi phát triển hết kỹ năng và khả năng sáng tạo âm nhạc của mình" - thầy Trường hào hứng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn