MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động mua bán nhộn nhịp tại Chợ phiên "quốc tế" Na Mèo. Ảnh: NT

Độc đáo chợ phiên "quốc tế" Na Mèo

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 01/12/2019 15:39

Nằm trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa và chỉ cách cột mốc biên giới Việt Nam - Lào chừng 300m, mỗi tuần Chợ phiên “quốc tế” Na Mèo chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng thứ 7. Chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua, bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc anh em và nhân dân hai nước Việt - Lào. Trải qua thời gian, Chợ phiên “quốc tế” Na Mèo vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi đúng hiệu miền sơn cước khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt – Lào.

Được hình thành từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là 1 khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc Thái, xã Na Mèo. Mãi đến năm 1999, khi chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ và đến năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn. Ảnh: NT
 
Từ sáng sớm bà con nhân dân, tiểu thương từ nước bạn Lào nhanh chóng làm các thủ tục thông quan để sang Na Mèo kịp tìm vị trí tốt trong phiên chợ. Ảnh: NT
 
Vì chợ chỉ họp một lần duy nhất vào sáng thứ 7 hàng tuần nên những em nhỏ từ nước bạn Lào cũng được bố mẹ cho đi chơi. Ảnh: NT
 
Nét đặc trưng nhất ở chợ Na Mèo chính là các sản vật địa phương được nhân dân Lào-Việt mang đến chợ để trao đổi, bày bán như: chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, nhím, dúi, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu, dưa chuột Lào, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò... (của người Lào) và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo, xà phòng, cá biển, cơm nếp... (của người Việt). Ảnh: NT
 
Chuột đồng là một trong những mặt hàng đặc sản “độc” được bày bán nhiều với giá từ 30 - 60 ngàn đồng/con. Ảnh: NT
 
Tờ mờ sáng, đồng bào các dân tộc Mông, Thái từ khắp các nẻo đường, các bản làng xa xôi vượt suối, băng dốc để đến cho kịp phiên chợ. Ảnh: NT
 
Trong phiên chợ Na Mèo, có hai loại tiền đồng thời cùng được lưu hành là tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp Lào. Ảnh: NT
 
Người Việt, người Lào đi chợ, có thể không biết tiếng của nhau, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, vì chỉ cần ra dấu hiệu là muốn mua mặt hàng này, thì ngay lập tức, người bán sẽ giơ ngón tay để ra giá của sản phẩm. Ảnh: NT
 
Dù mỗi tuần chỉ họp có một phiên nhưng không hề thấy ở nơi này sự xô bồ, chen lấn. Thuận mua, vừa bán, bán giá nào thì nói thế, không nói thách, nói quá lên, nên dù mua được hay chẳng mua được hàng, người bán, kẻ mua đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ. Ảnh: NT
 
Trải qua thời gian, Chợ phiên “quốc tế” Na Mèo vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi đúng hiệu miền sơn cước khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt – Lào. Ảnh: NT
 
Trong số những người tham gia chợ phiên, ngoài mục đích mua, bán, nhiều người đến với chợ như một thói quen khó bỏ, dù hàng hóa mang về có khi chỉ là một mớ rau, vài lạng thịt bò, hoặc một xâu chuột nướng. Ảnh: NT
 
Chẳng biết tự bao giờ chợ Na Mèo đã thực sự trở thành sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn-Viêng Xay. Ảnh: NT
 
Chợ Na Mèo hiện đang được chính quyền địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp để chở thành nơi buôn bán còn sầm uất, nhộn nhịp hơn thế nữa bởi trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành trung tâm giao thương hàng hóa giữa Thanh Hóa với Lào, nhất là các tỉnh Bắc Lào và vùng phụ cận. Ảnh: NT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn