MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo chuyện cho kiềng đi ngủ đêm 30 Tết của người Tày

Phạm Đông - L.Bảo LDO | 11/02/2021 20:00

Để kết thúc một năm cũ, trước khi đi ngủ để chờ đón ngày mùng 1 Tết, người phụ nữ Tày sẽ lật ngửa chiếc kiềng 3 chân để kiềng nghỉ ngơi. Với họ, khi kiềng đi ngủ mới thể hiện được phụ nữ mới thể hiện sự khéo léo, căn bếp sạch sẽ và gia đình mới ấm êm.

Chuyện cho kiềng đi ngủ

Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khi không khí se lạnh đang bao trùm các cánh rừng, bà Nông Thị Thái (65 tuổi, ở xã Thượng Lâm, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cũng giống như bao người phụ nữ khác là tất bật hoàn thiện các công việc cuối cùng của năm cũ trước khi chạm khoảnh khắc giao thừa.

Bà Thái cùng gia đình bên bếp lửa đêm 30 Tết. Ảnh: L.Bảo

Theo chia sẻ của bà Thái, ngoài việc gói bánh chưng cho ngày Tết, sắm sửa quần áo mới, đồ thời cúng… thì phụ nữ Tày hay con dâu Tày đều phải cáng đáng thêm những việc tâm linh như cúng tổ tiên, xông bàn thờ, cắt - dán chỉa chèn (dán giấy đỏ). Các công việc thực hiện tuần tự theo từng bước, không thể ưu tiên.

Bà Thái cũng cho biết, không gian bếp đối với người Tày rất quan trọng và linh thiêng. Người dân ở đây quan niệm, không gian bếp có ấm cúng thì gia đạo mới ấm êm, thịnh vượng và hạnh phúc. Chính vì vậy, người Tày rất chú trọng đến bếp lửa từ khâu lựa chọn nguyên liệu để thiết kế đến việc sử dụng.

Với đàn ông Tày, lựa chọn nguyên liệu để làm bếp là phải chọn gỗ nghiến hoặc một loại gỗ có độ bền, đẹp tương tự nhưng phải có ngọn thẳng đứng. Ngoài ra, nguyên liệu đất để làm nền bếp cũng phải là đất tổ mối.

Còn người phụ nữ Tày cáng đáng việc chăm chút gia đình, xây dựng tổ ấm thì không chỉ có trách nhiệm giữ gìn không gian bếp sạch sẽ, thoáng đáng mà trong đêm giao thừa, còn phải thực hiện nhiệm vụ của gia đình là cho “kiềng đi ngủ”.

Kiềng của người Tày đang được nghỉ ngơi đêm giao thừa.

Trong tâm thức của mỗi người phụ nữ Tày, vào đêm 30 Tết, tục xông bàn thờ hoàn tất và những ly rượu mừng năm mới trong đêm giao thừa cạn sẽ được thực hiện chu đáo nhất. Sau đó, người phụ nữ Tày bắt đầu đi xuống bếp, dựng ngược 3 chân kiềng lên trần nhà.

Từ giây phút này, kiềng được nghỉ ngơi. Những lo toan, những gánh nặng mà kiềng phải làm cho gia chủ trong suốt một năm qua sẽ chính thức được “giải tỏa”. Kiềng sẽ được đi ngủ đến sáng mùng một Tết, khi những thành viên trong gia đình thức dậy để bắt đầu chế biến những món ăn đầu tiên trong năm mới.

“Kiềng đi ngủ” không chỉ là câu nói quen thuộc của những người phụ nữ Tày mà còn là “nhiệm vụ” bất khả kháng mà tổ tông giao phó. Bởi phụ nữ có khéo léo thì căn bếp mới sạch sẽ, gia đình mới ấm êm. Với những cô gái Tày, bình thường có thể vụng về nhưng khi làm những việc này, họ lại thuần thục ngay từ bé…

Chú trọng không gian bếp lửa

Cũng giống như người Tày, trong những ngày Tết của người H’Mông ở Sapa (Lào Cai) cũng rất chú trọng không gian bếp lửa trong gia đình và các nghi thức cúng tế đầu năm. Người H’Mông kiêng kỵ việc dẫm chân lên bếp lửa, không để nước làm tắt lửa trong bếp và kiêng thổi lửa trong 3 ngày Tết đầu tiên của năm mới.

Người H’Mông rất chú trọng cúng tế trong năm mới.

Người H’Mông cũng rất chú trọng không gian bếp lửa trong gia đình và các nghi thức cúng tế đầu năm. Người H’Mông tin rằng, ngọn lửa trong bếp là căn nguyên của mọi sự thịnh vượng, gia đình ấm êm thì mùa màng ắt bội thu. Vì vậy, nếu thổi lửa trong 3 ngày Tết chẳng khác nào đang thổi đi những may mắn, thịnh vượng.

Khác với những dân tộc khác, khi năm mới được tính bằng khoảnh khắc giao thừa thì năm mới của người H’Mông lại được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong ngày đầu của năm mới. Ngày Tết tại đây độc đáo với bánh dày, hơi rượu ngô men lá cùng những tấm áo thổ cẩm sặc sỡ và những trò chơi dân gian độc đáo.

Bà Giàng A Thua trong phiên chợ cuối năm.

Bà Giàng A Thua (76 tuổi, ở bản Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) cho biết, khác với người Tày là có thể an yên trọn giấc khi 3 chân kiềng được hướng lên trần nhà sau khoảng khắc giao thừa, thì với người H’Mông, đây là thời khắc bắt đầu thức để đón giao thừa, bằng cách là nghe bằng được tiếng một con vật kêu.

Để đón chờ khoảnh khắc tiếng con động vật kêu, người H’Mông có thể sẽ phải thức trắng đến sáng. Chỉ chừng nào nghe được tiếng chó sủa, họ mới thực sự yên tâm chơi Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn