MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ Ban Sóc được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tái hiện bằng hình thức sân khấu hoá năm 2022. Ảnh: Tường Minh

Độc đáo lễ Ban Sóc triều Nguyễn: 24 bài thơ vịnh tiết trời trên lịch

Tường Minh LDO | 01/01/2023 08:17
Huế - Năm 1844, vua Thiệu Trị đã ban cho Khâm Thiên Giám 24 bài thơ vịnh tiết trời trong năm để in vào lịch.

Nội dung của lịch triều Nguyễn

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, về nội dung, một cuốn lịch sẽ được bố trí như sau: thời giờ, thời tiết trong năm ở Kinh đô, ở các địa phương, phân chia 12 tháng trong năm theo 4 tiết mùa.

Thứ tự các địa phương theo kinh độ, địa đồ, ngày giờ, sinh nhật, huý kỵ của các tiên đế (các vua chúa đời trước của họ Nguyễn), sau cùng cũng có “trang trách nhiệm” ghi tên, nhiệm vụ của các quan Khâm Thiên Giám tham gia vào việc biên soạn này.

Bài “Gia bình ban sóc tác” của vua Thiệu Trị in trong Ngự chế thi sơ tập (quyển 13, tờ 18a - 19a). Ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung 

Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, đến năm 1844, vua Thiệu Trị đã ban cho Khâm Thiên Giám 24 bài thơ vịnh tiết trời trong năm để in vào lịch.

Đó là các bài thơ vịnh 24 tiết trời như: lập xuân, vũ thuỷ, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang thực, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, sử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn. Khi in vào lịch, các bài thơ này đều được in bằng mực son.

Trong bài thơ vịnh tiết lập xuân, chính vua Thiệu Trị cũng ý thức khá rõ về sự vận động của thiên nhiên vào màu xuân khi cho rằng, nếu lúc gần tối có sao bắc đẩu chỉ về hướng đông tức là tiết lập xuân.

Bài thơ cũng thể hiện quan niệm của người xưa về cách suy luận thuật số, mùa xuân thuộc hành mộc, sắc xanh, nên khi đón xuân thì dùng cờ xanh:

"Đông bắc cán đẩu quay sang

Gió hoà phơi phới muôn phương yên lành

Đón xuân rực vẻ cờ xanh

Nhà nông sao ứng điềm lành vui thay!".

Hay là, tiết kinh trập (sâu nở) cũng thể hiện rõ những kiến thức về địa lý của một vị vua:

"Sấm vang trời đất thuận hoà

Hợp vào tiếng luật gọi là Lâm trung

Cỏ cây mầm móng nở tung

Các loài sâu bọ phá vùng bò ra".

Hai mươi bốn tiết trời được gói gọn qua 24 bài thơ tứ tuyệt của vua Thiệu Trị đã được in bằng mực son trong tất cả các loại lịch thời bấy giờ, điều này cũng thể hiện được tinh thần văn hoá của người xưa trong cách làm lịch.

Đại lễ Ban Sóc

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, sau khi biên soạn và in ấn lịch xong, cứ đến ngày mồng một tháng Chạp, triều đình sẽ tổ chức lễ phát lịch - gọi là Ban Sóc tại Ngọ Môn cho Kinh đô.

Lễ Ban Sóc triều Nguyễn xưa. Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. 

Các quan địa phương sẽ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Hoạt động của cơ quan Khâm Thiên Giám nói chung cũng như việc biên soạn, in ấn lịch cho toàn quốc thời Nguyễn có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho hoạt động nông nghiệp thời bấy giờ. 

Việc chuẩn bị Tết quan trọng không kém việc vui Tết. Do vậy, cuối năm và trước Tết nhiều nghi lễ được diễn ra với những hình thức trọng thể. Ngay từ ngày mồng 1 tháng Chạp, triều đình đã tổ chức lễ Ban sóc.

Trước đây, lễ này Ban sóc chỉ được tổ chức tại điện Thái Hòa, nhưng vào năm Tân Sửu (1841), vua Minh Mạng cho tổ chức ở Ngọ Môn với các nghi tiết mang tính đại lễ.

Các loại lịch được tiến vào cung để Hoàng gia dùng như long lịch, phượng lịch, loan lịch; loại lịch được phát cho các thân công, hoàng tử là lịch Vạn niên thọ; loại lịch được phát cho quan ở Kinh thành, quan địa phương là lịch Hiệp kỷ, Vạn toàn.

Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn