MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo nghi lễ Tế nữ quan trong ngày khai hội Đền Mẫu Âu Cơ

Tô Công LDO | 28/01/2023 17:39
Sáng 28.1 (mùng 7 tháng Giêng), tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống, tưởng nhớ và tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, tại đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa).

Tại đây, từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương đã nô nức đổ về đây để tham dự ngày hội. Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và rước kiệu, rước lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ.

Lễ dâng hương, dâng hoa, lễ vật với 100 cầu bánh ngọt, quả, rượu, trà, trầu và hương, hoa, mâm cơm chay, cơm mặn (lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ Âu Cơ) nhằm tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.

Ngày 28.1, thời tiết tại tỉnh Phú Thọ nắng ráo, đông đảo người dân và du khách đã đến Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa). Ảnh: Trường Quân.

Tiếp đó, các đại biểu, đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương đã cùng lắng nghe Chúc văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ. Trong đó nhấn mạnh về huyền thoại Âu Cơ kết duyên với Đức Tổ Lạc Long Quân, sinh ra bọc 100 trứng, nở thành 100 người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển, còn 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa và các đại biểu dâng hương tại đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trường Quân.

Tiếp đến là nghi thức Tế nữ quan, một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong ngày khai hội. Theo đó, các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống.

Theo các cụ cao niên xã Hiền Lương, Tế nữ quan là một nghi lễ đặc biệt, là nét đặc trưng riêng và không thể thiếu của lễ hội để tưởng nhớ về nguồn cội, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.

Chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện tế Lễ nữ quan theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Trường Quân.

Do đó, việc lựa chọn những người tham gia đội tế lễ phải được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Yêu cầu chung của đội Tế nữ quan gồm 12 nữ thanh tân, phẩm hạnh tốt, khỏe mạnh, xinh xắn, gia đình song toàn...

Sau phần Tế nữ quan, dân làng Hiền Lương và khách thập phương bắt đầu vào đền lễ Mẫu, dâng hương, dâng sớ tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Thánh Mẫu và cầu chúc cho một năm mới gặp nhiều may mắn.

Các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu thực hiện nghi lễ truyền thống. Ảnh: Trường Quân.

Đến gần trưa, lễ tế Tổ Mẫu hoàn tất, kiệu được rước từ đền trở về đình trong âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, thanh la, não bạt, tiếng bát âm và đông đảo dân làng.

Cùng với các nghi thức tế lễ, tại lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong khuôn viên đền như đu tiên, thi đấu cờ người, tổ tôm điếm, kéo co... đặc biệt còn có phần ca hát những bài hát ca ngợi Mẫu Âu Cơ và công đức của người.

Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đến dâng hương tưởng nhớ và tri ân công lao của Tổ Mẫu. Ảnh: Trường Quân.

Ông Ngô Anh Vũ, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ năm 2023 nhấn mạnh: "Việc tổ chức Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con cháu Lạc Hồng đối với tiên tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi".

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân. Năm 1991, đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23.1.2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ - Đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn