MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thủ tục, lễ cúng tâm linh sau khi xông bàn thờ của người Tày. Ảnh: L.B

Độc đáo tục xông bàn thờ đêm 30 Tết Nguyên đán của người Tày

Phạm Đông - L. Bảo LDO | 11/02/2021 16:00

Vào khoảnh khắc giao thừa, trước thời khắc năm mới của Tết Nguyên đán, nồi lá thơm sôi sùng sục cũng được người Tày sẵn sàng để xông bàn thờ. Việc này đánh dấu kết thúc tất cả những vất vả, lo toan, xui xẻo trong một năm cũ.

Cũng giống như những dân tộc anh em khác, người Tày ở Tuyên Quang rất coi trọng Tết cổ truyền.

Người dân quan niệm, sau một năm làm việc vất vả, thì từ đêm 30 Tết trở đi không chỉ là thời khắc bắt đầu năm mới, mà đây còn là thời khắc chấm dứt sự vất vả, ngược xuôi cùng những vận xui trong một năm cũ.

Để có những giây phút thảnh thơi đúng nghĩa để vui chơi ngày Tết, lẽ tất nhiên là người Tày phải hoàn thành tất cả những công việc trước khi bóng tối ngày cuối cùng của năm cũ bao phủ.

Với người Tày ở Tuyên Quang, công việc được phân công rất rõ ràng đến từng thành viên. Đàn ông trụ cột vừa phải bổ củi, mổ lợn, quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn ghẽ, vừa phải chuẩn bị một cây nêu đủ cao vượt nóc nhà để đón những may mắn.

Đàn bà thì chuẩn bị lá dong, lạt nứa, đỗ, gạo nếp để gói bánh chưng và sắm sửa quần áo mới cho gia đình.

Người Tày đun nước lá bưởi thơm để xông bàn thờ gia tiên. Ảnh: L.B

Bà Nông Thị Thắm (62 tuổi, thôn Tồng Moọc, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), tất bật với việc làm lạp xưởng cuối năm. Không giống như lạp xưởng vẫn thường treo lủng lẳng ở các cửa hiệu dưới xuôi, lạp xưởng của người Tày ở Tuyên Quang có thể nhỏ và ngắn hơn.

Đây món ăn mà người Tày ở Tuyên Quang tự làm nên vừa là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm thắp hương tổ tiên vào sáng ngày mùng 1, vừa là món ăn sẵn để đón khách. Chính vì vậy, nguyên liệu làm nên lạp xưởng hoàn toàn tự nhiên và sẵn có, thịt lợn của gia chủ nuôi, lá mắc mật, mắc khén, đinh hương thì của nhà trồng.

Bà Thắm cho biết, Tết của người Tày bắt đầu từ ngày 0h đêm giao thừa nhưng để bắt đầu Tết thì người Tày phải giải xui bằng những bữa ăn trong ngày cuối cùng của năm. Món ăn chính của những bữa giải xui là được chế biến từ thịt lợn do chính tay mình nuôi lớn để mổ đón Tết.

Người Tày sẽ luôn phiên đến nhà người thân trong họ hàng để ăn thịt giải xui, bởi vì cho dù xui xẻo đến mức không còn gì xui hơn được nữa thì năm cùng tháng tận, sang vận mới, mọi rủi ro của năm cũ đều qua đi.

Tất cả những công việc kể trên tưởng chừng đã đủ khiến các thành viên trong gia đình tất bật nhưng người phụ nữ Tày còn phải thực hiện một “nhiệm vụ” quan trọng mà gia đình và tổ tông giao phó, đó là thủ tục xông bàn thờ tổ tiên.

Bà Hà Thị Nở (66 tuổi, thôn Bảu, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa) chia sẻ, người Tày ở Tuyên Quang quan niệm, xông bàn thờ tổ tiên là tục “tắm” và thay áo mới cho các tiền nhân đã mất, mà người Tày ở Tuyên Quang thường gọi bằng cái tên đầy thân thương và đáng kính là “tắm” cho “các cụ” để chuẩn bị “đi chơi Tết”.

Bà Hà Thị Nở nhanh tay hái lá trong vườn để chuẩn bị nồi nước xông bàn thờ.

Với người dân địa phương, xông bàn thờ tổ tiên phải được thực hiện bởi chính đôi bàn tay của con dâu Tày, từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đến công đoạn thực hiện.

Vừa cầm trên tay rổ lá thơm đặc biệt, bà Nở vừa chia sẻ: “Nồi nước xông bàn thờ rất đặt biệt. Chính vì vậy, những con dâu người Tày lớn tuổi thường rất chú tâm đến lựa chọn nguyên liệu “tắm cho các cụ”. Lá, rễ cây càng già thì mùi càng thơm, mùi thơm càng thanh khiết. Những nguyên tắc cơ bản mà “bất di bất dịch” này được mẹ chồng truyền cho con gái và con dâu khi mới về nhà chồng.

Không những vậy, những cô dâu Tày lớn tuổi tin rằng, càng nhiều nguyên liệu tạo nên nồi nước xông thì các cụ càng được sạch sẽ và viên mãn. Từ đó, con cháu càng được phù hộ. Từ đây, câu cửa miệng của người Tày trong ngày Tết sẽ là những câu chúc nhau an khang, thịnh vượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn