MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Dù công nghệ phát triển đến đâu, văn học vẫn sẽ mãi trường tồn

NHẬT HỒ LDO | 12/05/2023 17:00
Bạc Liêu - Ngày 12.5 lần đầu tiên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều nhà văn, nhà thơ thuộc các Hội VH-NT khu vực ĐBSCL giao lưu với giáo viên, sinh viên, học viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu.

Ông Trần Công Chánh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng đây là lần đâu tiên nhà trường đón nhiều nhà văn, nhà thơ đến vậy. Cũng lần đầu tiên có Chủ tịch, hai Phó chủ tịch cùng rất nhiều nhà văn, nhà thơ nói chuyện giao lưu với thầy trò của trường.

Lần đầu tiên Chủ tịch, hai Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có mặt giao lưu với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Tại buổi giao lưu, các nhà văn, nhà thơ trả lời nhiều câu hỏi của thầy, trò Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu liên quan đến văn hóa đọc, niềm đam mê văn chương; văn chương trong bối cảnh bùng nổ giải trí, văn chương giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tổ quốc…

Chia sẻ với các bạn sinh viên, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng các bạn cứ đọc, cứ viết đi. Đừng sợ người khác không đọc, cứ viết sẽ có người đọc…

Nói chuyện văn chương với các bạn sinh viên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng tình yêu văn chương, nghệ thuật sẽ mãi mãi trường tồn dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu đi nữa.

Nhà văn, nhà thơ giao lưu với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Trước đó, ngày 11.5, tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu diễn ra Hội nghị công tác văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thông báo về tình hình hoạt động cơ bản của Hội Nhà văn Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ (2020 - 2025). Ban Chấp hành Hội đã tổ chức Giải thưởng văn học cho tác giả trẻ (năm 2022 đã trao giải thưởng cho các tác giả), mở cuộc vận động viết cho thiếu nhi, mở “Dự án sách miễn phí cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa và dân tộc miền núi”... Đây là những việc làm mang tính đột phá, làm cho vai trò của Hội Nhà văn ngày càng rõ ràng hơn...

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục xét các giải thưởng, xét việc kết nạp hội viên đối với những ngòi bút có trách nhiệm, xứng đáng đứng vào hàng ngũ các nhà văn, nhà thơ Việt Nam; ngăn chặn những gì phi văn chương vào Hội Nhà văn Việt Nam, bởi trong nhiệm vụ phục dựng lại đúng ví trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của Hội thì việc kết nạp hội viên là rất quan trọng.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các cuộc thi văn học nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng, chưa chọn được tác phẩm có sức thuyết phục đối với bạn đọc, kể cả các đồng nghiệp một phần do sự tiếp nhận tác phẩm văn học của độc giả còn phức tạp, nhiều chiều hướng. Quan điểm của Hội là phải chọn tác phẩm có nội dung khẳng định, bảo vệ được những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, bền vững; ủng hộ những sáng tạo mới được dư luận đánh giá tương đối tốt...

Đối với phong trào văn học ở khu vực ĐBSCL, nhà thơ nhận định phong trào văn học khu vực này còn nhiều khó khăn, từ đó Hội chủ trương sẽ đầu tư 100% cho khu vực này, ít nhất là trong năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn