MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Du khách thích thú mô hình "du lịch voi thân thiện" ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 20/04/2023 14:56

Đắk Lắk - Nhiều du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở tỉnh Đắk Lắk đã và đang quen thuộc với mô hình thân thiện với voi ở địa phương này. 

Đến tham quan, nghỉ dưỡng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, ông Trần Thế Mỹ  (du khách Hà Tĩnh) cho rằng, việc doanh nghiệp ở huyện bỏ hẳn du lịch cưỡi voi là hợp lý !

"Trước đây, khi tôi đến Đắk Lắk cưỡi voi thì cũng thấy áy náy, thương loài vật này phục vụ quá nhiều khách, hao tổn và đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Bây giờ, tôi và bạn bè, người thân được chụp ảnh với voi thì thấy nhân văn hơn.

Qua đó, góp phần nhỏ bé giúp bảo vệ loài động vật này, mong nó có thể tiếp tục sinh sôi, phát triển tốt. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ du khách nào đến Buôn Đôn thì nên có hình ảnh đẹp lưu niệm với voi".

Một nhóm du khách cho voi ăn. Ảnh: Bảo Trung

Hiện, bất kỳ du khách nào khi đến tham quan, trải nghiệm tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn - Làng đảo (huyện Buôn Đôn) đều không có dịch vụ cưỡi voi như trước.

Từ đầu tháng 2.2023, đơn vị trên đã chấm dứt hẳn việc khai thác dịch vụ cưỡi voi, thay vào đó là mô hình thân thiện với loài vật này.

Du khách được tuyên truyền, giới thiệu về mô hình thân thiện với voi. Ảnh: Bảo Trung

Sau hơn 2 tháng triển khai, du khách đã dần quen với loại hình mới, thậm chí không ít người tỏ ra thích thú, đam mê. Chị Nguyễn Thị Hằng (du khách Hà Nội) chia sẻ: "Chơi với voi, cười với voi, tôi thấy rất ý nghĩa và cảm thấy rất thoải mái.

Việc bỏ dịch vụ cưỡi voi là hợp lý để bảo tồn loài vật này. Bản thân chúng tôi sẵn sàng bỏ ra chi phí để có thể được sử dụng dịch vụ, góp phần bảo tồn và giúp thêm phần kinh phí bảo đảm đời sống cho voi và nhân viên chăm sóc voi".

Một du khách thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm cùng voi. Ảnh: Bảo Trung

Trước đó, sau gần 2 tháng chấm dứt dịch vụ cưỡi voi, ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc chi nhánh, phụ trách Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn - cho biết: "Sau khi bỏ hẳn dịch vụ du lịch cưỡi voi, doanh thu của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính bình quân mỗi năm, trung tâm thu về khoảng 5 đến 6 tỉ đồng từ việc khai thác dịch vụ du lịch cưỡi voi.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình thân thiện với voi khiến đơn vị gần như mất trắng khoản thu kể trên. Số tiền thu lại được từ dịch vụ tắm cho voi, cho ăn... không đáng kể để bù đắp khoản thiệt hại này".

Theo ông Đức, xét theo tình hình kinh doanh hiện nay thì mỗi năm dự kiến đơn vị sẽ chỉ thu về khoảng 400 triệu đồng từ dịch vụ thân thiện với voi.

"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để xoay sở, cải thiện chất lượng dịch vụ và mở ra các phương án kinh doanh mới nhằm duy trì đúng cam kết bỏ hẳn dịch vụ du lịch cưỡi voi", ông Đức nói.

Hiện, tại trung tâm đang còn tổng cộng 5 con voi, trong đó 2 con thuộc quyền sở hữu của đơn vị và 3 con thuê của người dân trên địa bàn.

UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đắk Lắk đang còn 37 con voi nhà và khoảng 80-100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn