MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức

NGUYỄN HỒNG LDO | 28/03/2019 10:43
Không chỉ có thế mạnh về phát triển kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn là một vùng đất giàu tiềm năng về du lịch. Trong đó, 13 tỉnh, thành phố vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, tuy nhiên ĐBSCL vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Vùng đất giàu tiềm năng

Nằm trong hoạt động của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, hội nghị "Xúc tiến Quảng bá Du lịch các tỉnh ĐBSCL 2019" do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.

 Nhiều đại biểu dự Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: N.H. 

Với chủ đề "Liên kết, hợp tác, phát triển du lịch", hội nghị đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh về con người, các danh lam thắng cảnh cũng như những giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch của các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, ký kết hợp tác kinh doanh, kết nối du lịch Hà Nội với thị trường khu vực phía Nam, cụ thể là vùng ĐBSCL trong thời gian tới. 

Những năm qua, ngành du lịch ĐBSCL đã có những thay đổi tích cực, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Chẳng hạn, thay vì tập trung vào du lịch sông nước như trước đây, các tỉnh ĐBSCL đã có thêm du lịch tâm linh, du lịch tham quan di tích lịch sử…

ĐBSCL thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm mỗi năm. Ảnh: T. L. 

Nói về những thành tựu mà ngành du lịch ĐBSCL đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Thế Triều - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: "Trong 5 năm gần đây, du lịch ĐBSCL tăng trưởng mạnh về lượt khách lưu trú và doanh thu. Chỉ tính riêng năm 2018, các tỉnh ĐBSCL đã đón trên 40 triệu lượt khách. So với năm 2017 tăng 17%, doanh thu đạt 24 nghìn tỉ đồng, tăng 30%".

Đối mặt với nhiều thách thức

Bên cạnh việc ngành du lịch ĐBSCL đã có những bước tiến đáng kể nhưng để phát triển bền vững, đảm bảo duy trì sự tăng trưởng không phải dễ dàng, đặc biệt là phát triển theo hướng du lịch xanh như hiện nay.

Nhiều đặc sản của ĐBSCL khiến du khách khó có thể quên nếu có dịp thưởng thức. Ảnh: T. L. 

Theo ông Đại Quốc Cường - Ủy viên BCH Hiệp hội Du lịch Hà Nội, GĐ Cty Du lịch Vietcharm Tour - khẳng định, các tỉnh ĐBSCL có thế mạnh về du lịch và có sức hút với du khách trong nước nhưng lại thiếu điểm nhấn để thu hút đối với du khách nước ngoài.

Ngoài những hạn chế kể trên, các doanh nghiệp lữ hành còn nêu thêm một số vấn đề như giao thông chưa được nâng cấp, không đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời, toàn vùng chưa có hệ thống chỉ dẫn, hướng dẫn tại các điểm du lịch nên khó cung cấp đầy đủ thông tin cho các du khách đến tham quan. Nghiêm trọng hơn chính là vấn đề ô nhiễm rác thải, ô nhiễm môi trường.

Nhiều khách quốc tế lựa chọn đến ĐBSCL du lịch và nghỉ dưỡng. Ảnh: T. L. 

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - khẳng định, nếu không tìm được phương pháp phát triển bền vững thì sẽ khó có thể thu hút du khách trở lại. "ĐBSCL cần tăng cường mời gọi những nhà đầu tư chuyên nghiệp có kinh nghiệm đến đầu tư, cũng như tăng cường trong việc quảng bá một cách có hệ thống thông qua các phương tiện truyền thông mạng xã hội".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn