MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Miễn visa cho những thị trường trọng điểm được xem là “vũ khí” cạnh tranh nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: HN

Du lịch Việt Nam cần thông thoáng để tìm cơ hội “mở”

NGUYỄN HỒNG LDO | 04/01/2020 13:00

Năm 2019, du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc với nhiều kỷ lục được xác lập; nhưng bên cạnh thành công, nếu không giải quyết hay có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình lập kế hoạch, đặt dịch vụ du lịch, nhất là chính sách thị thực... thì du lịch Việt Nam sẽ khó giữ được tốc độ tăng trưởng.

Bài toán nan giải

Du lịch Việt Nam (DLVN), với năng lực cạnh tranh được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2019 xếp hạng 6/10 quốc gia, đạt tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - DLVN là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và có ảnh hưởng rõ rệt tới nhiều ngành như giao thông vận tải, hàng không, bất động sản, thương mại - dịch vụ… Năm 2019, DLVN chứng kiến nhiều bước tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng đó lại chưa đi kèm với một số yếu tố mang tính bền vững và hiệu quả.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - bà Nguyễn Thị Thanh Hương - cũng nhìn nhận, một trong những bài toán cấp bách cần giải quyết để nâng cao tính bền vững là cải thiện quá trình lập kế hoạch, đặt dịch vụ của du lịch. Việc nắm bắt công nghệ 4.0 sẽ cải thiện hiện trạng và tối ưu hóa mọi hoạt động của du lịch.

Hiện, việc sử dụng các trang web trực tuyến, ứng dụng trên điện thoại thông minh để đặt dịch vụ và lên kế hoạch du lịch đã trở thành một xu thế bởi sự tiện ích và khả năng tiết kiệm thời gian. Nếu như trước đây, khách chủ yếu đặt tour qua các công ty lữ hành thì hiện tại đã có thêm nhiều lựa chọn nhờ các kênh trực tuyến. Theo báo cáo của Trekksoft, có tới 75% người dùng từ 18 đến 34 tuổi sử dụng các kênh trực tuyến để đặt dịch vụ du lịch và 87% người trẻ coi di động là cách “hỗ trợ” hiệu quả trong mỗi chuyến đi. Đáng chú ý, tỉ lệ hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến ở Việt Nam chiếm tới 66% (ở Nhật lên đến 93%), số khách đặt các tour truyền thống giảm mạnh từ 82% trong năm 2015 xuống chỉ còn 30% vào năm 2019.

Mặc dù nhu cầu lớn, song khách du lịch vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện trong việc đặt dịch vụ, lập kế hoạch trực tuyến khi đến Việt Nam. Thậm chí, đôi khi sản phẩm du lịch thực tế không trùng khớp so với thông tin quảng cáo trên mạng trực tuyến, hoặc du khách không nhận được những tư vấn cụ thể theo nhu cầu.

Đề xuất về giải pháp, bà Emely Nguyễn - Giám đốc kinh doanh Google tại Việt Nam - nhận định, trọng tâm của việc lập kế hoạch và đặt dịch vụ vẫn là khách du lịch. Theo nghiên cứu, phân tích của Google về hành vi của khách du lịch thì hiện nhu cầu ngày càng được cá nhân hóa, đối với mỗi nhóm đối tượng khách hàng lại có những lựa chọn và yêu cầu khác nhau. Vì vậy, để cung ứng được dịch vụ tốt nhất, các doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin về hành vi của từng nhóm khách kể từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp.

Vẫn còn khó khăn trong việc xin visa

Ngoài những khó khăn trong việc lập kế hoạch và đặt dịch vụ khi tới Việt Nam, một vấn đề khác khiến du khách e ngại đó chính là chính sách thị thực luôn thay đổi, nhiều thủ tục rườm rà. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch thì đa số du khách đều cho rằng, quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so với các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, phí thị thực theo quy định của Nhà nước là 25USD/người. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, chỉ có 18% du khách cho biết nộp dưới 30USD. Còn lại phần lớn nộp nhiều hơn 30USD, thậm chí có du khách nước ngoài nộp hơn 90USD, gấp 4 lần so với quy định. Điều này đồng nghĩa với việc đã có những khoản thu nằm ngoài phí chính thức, ví dụ như phí dịch vụ, thậm chí có nhiều đơn vị, bộ phận tự tăng tiền phí thu của khách.

Ngoài ra, thông tin để hướng dẫn khách quốc tế xin visa vào Việt Nam chưa được thống nhất bởi có 15% số khách biết thông tin qua đại sứ quán, 14% qua Tổng cục Du lịch, 26% qua các công ty lữ hành… còn lại là những kênh thông tin không chính thống, phải tìm qua công cụ tìm kiếm. Chưa kể, thời gian xin thị thực khá lâu mà thời gian miễn thị thực lại ngắn. Nhiều trường hợp du khách phải chờ từ 6 - 14 ngày để có được visa mà lại chỉ được áp dụng miễn thị thực từ 15 - 30 ngày. Chưa kể, số lượng quốc gia được chúng ta miễn thị thực chỉ có 24, con số này là quá ít so với các quốc gia trong khu vực, nhất là khi Indonesia miễn 169 quốc gia, Malaysia 160, Singapore 158, Philippines 157, Thái Lan 60 và thời gian miễn thị thực trung bình từ 30 - 90 ngày.

Ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - nhận định, hiện, số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Nếu muốn cải thiện tỉ lệ quay lại, Việt Nam cần có nhiều thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở thêm nhiều đường bay thẳng đến Châu Âu... Ông Kenneth Atkinson cũng nhấn mạnh rằng, mức độ thuận lợi về visa có thể làm tăng hoặc giảm lượng khách đến một quốc gia. Nếu Việt Nam miễn visa cho một số nước Châu Âu thì mức tăng trưởng của khách từ các nước này có thể lên đến 20%, doanh thu du lịch cũng sẽ tăng trên 150 triệu USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn