MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng biến “con đường âm nhạc” thành nỗi sợ

M.T LDO | 15/02/2017 08:00
Ngoài đường sách, phố đi bộ, sắp tới, TPHCM giao cho UBND quận 1 tổ chức con đường âm nhạc (dự kiến đường Hàn Thuyên hoặc Alexandre De Rhodes). Thông tin này dấy lên làn sóng tranh cãi trên mạng: Liệu con đường này có làm ô nhiễm tiếng ồn ở khu trung tâm, nơi có nhiều công ty, du khách và cơ quan ngoại giao?
Khá đông nghệ sĩ ủng hộ dự án con đường âm nhạc này, bởi không dễ có một sân chơi dành cho người yêu nhạc đến gặp gỡ các ca sĩ, trao đổi, giao lưu. Tuy nhiên, quan trọng là nội dung biểu diễn ở đường nhạc ra sao, có phải phát ra rả như “loa phường” giữa phố đông chật chội, ồn ào, chuyên kẹt xe; hay là nơi để sinh viên nhạc viện cùng các ca sĩ trẻ thử sức mình? Làm sao để giới trẻ thích thú đến nghe, chứ không phải là nơi đơn thuần biểu diễn nhạc truyền thống, nơi sinh hoạt của các CLB đội nhóm quận, huyện…
Theo bà Ngô Thanh Chung - Giám đốc Nhà văn hóa sinh viên TPHCM, đơn vị phối hợp với quận 1 để lo về khâu tổ chức biểu diễn ở con đường âm nhạc - sẽ có các hội nhóm, CLB âm nhạc sinh viên đến trình diễn nhiều thể loại nhạc, trong đó có cả âm nhạc dân tộc, đi theo chuyên đề như dân ca Nam Bộ, dân ca Trung Bộ… Tuy nhiên, nếu chỉ âm nhạc dân tộc hay nhạc đỏ thôi thì chưa đủ. Muốn thu hút giới trẻ, cần đa dạng các nhóm nhạc underground, các nghệ sĩ đường phố tự do chứ không chỉ gói gọn trong các đoàn, nhóm mang tính phong trào.
Cũng có ý kiến phản biện, rằng ở TPHCM đi đâu cũng bị “bội thực” âm thanh, trong đó có karaoke, nhạc sống, nhạc ở quán café, nhà hàng… đâu đâu cũng mở với âm lượng lớn. Không ít nhà phải “trốn” đi du lịch vào dịp lễ, tết chỉ vì nhà hàng xóm… mở nhạc quá to, hoặc bị những tiếng hát karaoke khủng khiếp hành hạ.
Một facebooker nhận xét: “Chẳng sự kiện to nhỏ nào mà thiếu được âm nhạc: Cưới xin, ma chay, sinh nhật đầy năm, đầy tháng, tổng kết liên hoan, gặp mặt, chia tay... Kiếm được chỗ nào yên tĩnh không nhạc thì sướng lắm, như thoát ồn vậy. Ở tây, những chỗ chơi nhạc ngoài trời chủ yếu là dưới tàu điện ngầm, ở mấy điểm du lịch, nhạc xin tiền và bán đĩa. Bằng không là chơi trong những không gian quy định trong thời gian quy định như lễ hội âm nhạc chẳng hạn.
Ở Tokyo, trong công viên Yoyogi hay phía ngoài đền Meiji ngày cuối tuần, các nghệ sĩ tự do vào trình diễn miễn phí, như một dạng tự sướng hoặc tự giới thiệu mình, ai thích thì ngồi nghe, cũng có thể có các nhà sản xuất tìm tới đây để phát hiện tài năng mới. Biểu diễn ở những không gian rộng và riêng biệt như vậy để không làm ảnh hưởng tới các sinh hoạt khác của người dân thành phố, ít nhất cũng là không gây nghẽn giao thông do những người tò mò dừng lại xem”.
Vậy làm sao để đường nhạc vừa thỏa mãn nhu cầu biểu diễn của các nghệ sĩ, sinh viên nhạc viện, vừa không làm ô nhiễm không gian công cộng, làm khổ tai người nghe như tình trạng vừa nêu trên? Đã có ý kiến cho rằng nên chăng biến con đường âm nhạc thành con đường văn hóa, kết hợp cả âm nhạc và hội họa, với nhiều hoạt động như triển lãm, trình diễn, buôn bán, trao đổi, giao lưu, thảo luận... cho gần gũi với công chúng trẻ, thay vì chỉ riêng một loại hình âm nhạc. Không gian đó cũng luôn đông đúc xe cộ ồn ào qua lại, làm sao nghe nhạc cho yên, còn nghe qua loa phóng thanh thì chẳng khác nào... tra tấn.
Quan trọng hơn nữa, chọn nhạc thích hợp để nghe, còn nếu chọn theo gu thẩm mỹ cũ thì có khi chẳng ai muốn nghe, thậm chí bỏ đi càng nhanh càng tốt, như thế thì… tốn nhiều tiền mà xôi hỏng bỏng không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn