MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải A cuộc thi “Thiếu nhi vẽ tranh chủ đề VHGT” của tác giả Trần Minh Nhựt - Nhà thiếu nhi Đồng Nai.

Dùng nghệ thuật làm “liều thuốc” cho văn hóa giao thông

KHÁNH HẠ LDO | 25/05/2018 09:14

Để xây dựng văn hóa giao thông, pháp luật là nền tảng, nghệ thuật là chất liệu kết dính có hiệu quả giáo dục cao.

Nghệ thuật “mở làn” đi sâu vào đời sống

Chưa bao giờ cụm từ “văn hóa giao thông” (VHGT) được nhắc nhiều như hiện nay. Thiếu ý thức chấp hành luật giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm. Vì vậy, giáo dục VHGT cho cộng đồng, đặc biệt với lớp trẻ là hành động thiết thực, cấp bách. Và bài toán để xử lý từng bước vấn đề này là nghệ thuật - “liều thuốc hữu hiệu” chấm dứt nhịp điệu giao thông “sốt rét”, “lên đồng”.

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương chia sẻ: “Tôi cho rằng kịch nghệ có khả năng rất mạnh trong việc xây dựng VHGT. Các nghệ sĩ, cả chuyên nghiệp và không chuyên, từ nhà nước lẫn tư nhân. hãy cùng vào cuộc. Bước đầu là những tiểu phẩm vui, hoạt cảnh nhằm hạn chế các thói hư tật xấu trong giao thông. Và cũng mong các nhạc sĩ hãy chú ý hơn tới mảng đề tài đang rất thiếu này…”.

Dự án “Đưa VHGT vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện đã và đang góp phần xây dựng VHGT qua các chương trình phù hợp, hấp dẫn như biểu diễn hài kịch, múa rối nước, ca nhạc, triển lãm ảnh, thiếu nhi vẽ tranh biếm họa và hội thảo khoa học…

Làn điệu quan họ xứ Kinh Bắc cũng được biến tấu, lồng ghép các điều luật an toàn giao thông một cách rất “tình”, điển hình là tác phẩm thơ lục bát “10 tiêu chí về VHGT” của nhạc sĩ Vũ Mão. Không những được thể hiện bằng làn điệu quan họ, tác phẩm này còn được thể hiện bởi cả thể loại chầu văn. Nhiều vở kịch nói gây tiếng vang như “Giao thông quốc nạn”, “Ngược chiều”, “Cảnh sát giao thông mặc thường phục”…

Nghệ thuật múa rối nước trong “cuộc chiến” này dù chưa thực sự sôi động nhưng cũng là thứ “vũ khí mềm” hữu hiệu, đặc biệt là đối với trẻ em. Đây là cách khiến các em học sinh hào hứng hơn cả, bởi mang tới sự giáo dục nhẹ nhàng mà hấp dẫn. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ, loại hình múa rối nước giúp trẻ em quan sát và hiểu rõ các vấn đề giao thông, lại nuôi dưỡng nghệ thuật trong tâm hồn trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, bảo tồn nghệ thuật dân gian của cha ông.

GS Hoàng Chương - TGĐ Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam - bày tỏ: “VHGT là hành vi có văn hóa của những người tham gia giao thông, tức là người có ý thức tự giác tôn trọng luật lệ giao thông. Thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễu loạn, mất kỷ cương xã hội, gây tai nạn giao thông. Và cũng chưa bao giờ văn nghệ sĩ, trí thức của đất nước lại hưởng ứng tham gia hoạt động về VHGT đông đảo và nhiệt tình như vậy. Một số hội thảo do chúng tôi tổ chức đều nhận được sự tham gia tích cực của nhiều thanh niên, sinh viên qua các hình thức đa dạng gồm ca hát, diễn kịch, diễn chèo…”.

“Luật mềm” dễ thấm hơn “luật cứng”

Các nghệ sĩ phải dành rất nhiều thời gian, công sức để sáng tạo, biểu diễn sao cho nội dung VHGT được lan tỏa tinh tế nhất, phá vỡ rào cản tiếp nhận nơi người xem.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia hào hứng: “Những năm qua, tỉ lệ vi phạm luật giao thông tuy chưa thể chấm dứt nhưng có xu hướng giảm. Bên cạnh sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị thì không thể nào không nhắc đến vai trò của nghệ thuật. Bởi vì chỉ có nghệ thuật mới thẩm thấu và tác động nhanh nhất đến con người. Những người làm chuyên môn rất khô cứng, nói cả ngày không thể nào sánh được với những lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ”.

Cứ cuối tuần, tại trung tâm phố đi bộ Hoàn Kiếm thường xuyên diễn ra chương trình nghệ thuật của Nhóm xẩm Hà Thành nhằm tuyên truyền về VHGT. Chương trình còn thu hút sự tham gia của các em học sinh với những tiết mục đồng dao phản ánh chân thực ý thức tham gia giao thông của xã hội. Theo nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - thành viên Nhóm xẩm Hà Thành, người dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm thuộc cả những bài xẩm của họ và liên tục yêu cầu nhóm trình bày mỗi cuối tuần.

TS Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - bày tỏ: “Những tác phẩm của các nghệ sĩ về tuyên truyền VHGT khiến tôi rất xúc động. Đây là những hành động thiết thực, giúp phong trào được nhân rộng nhằm hỗ trợ giáo dục VHGT cho cộng đồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn