MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dừng tổ chức lễ đánh trận phết ở Hiền Quan

Thuận Thiên LDO | 30/01/2023 15:06
Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), chỉ tổ chức nghi lễ tại đình, không tổ chức lễ đánh trận phết.

Hội Phết Hiền Quan là một lễ hội của xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là ngày 13.

Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Năm nay, lễ hội Phết xã Hiền Quan có nhiều điểm đổi mới. Theo ông Lưu Văn Hiệu - Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan, do trước Tết, nước tràn vào bãi đánh trận nên có nhiều bùn, không đảm bảo cho an toàn lễ hội. Vì vậy, UBND xã Hiền Quan đã họp với bà con trong làng và quyết định dừng nghi lễ đánh phết tại lễ hội Phết năm 2023.

Năm sau, xã chỉnh trang lại đường dẫn nước, nếu đảm bảo an toàn thì sẽ tổ chức lại nghi lễ đánh phết.

Lễ hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ) năm 2018. Ảnh: Tiến Tuấn

Lễ hội Phết Hiền Quan gồm bốn phần đó là: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh phết diễn ra ở cả đình Hiền Quan, nơi thờ Đức Ông Lý Mộc Trang thời Đinh và đền Hiền Quan, thờ Thiều Hoa thời Hai Bà Trưng.

Tại lễ rước kiệu, trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi (hay còn gọi là dúi) được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống. Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ và lễ kéo quân. Cuối cùng sẽ là rước phết ra đồng để mọi người giành lấy.

Mọi người quan niệm, hễ ai cướp, động được vào quả phết sẽ mang lại may mắn cả năm nên tiết mục đánh phết (cướp phết) hàng năm tại xã Hiền Quan thu hút rất đông người dân tới tham dự.

Vào ngày 28.1 vừa qua (mùng 7 tháng Giêng), người dân Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ hội Đả cầu cướp phết sau 2 năm tạm dừng bởi dịch COVID-19.

Ban tổ chức cho biết, phần cướp phết tại lễ hội Đả cầu cướp phết ở Vĩnh Phúc nhiều năm nay không tiến hành để đảm bảo an ninh trật tự cũng như tránh để phần hội bị biến tướng so với ban đầu. Ảnh: Đặng Long

"Nhân vật chính" trong lễ hội là một quả phết làm bằng gỗ mít với đường kính 35cm đã có từ lâu. Theo Ban tổ chức, năm nay, quả phết chỉ để trong đình, không mang ra kiệu để tránh tình trạng cướp phết gây mất an ninh trật tự.

Những năm trước, một số hiện tượng tiêu cực, hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận vẫn xảy ra trong mùa lễ hội như tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại lễ hội làng Sơn Đồng (hay còn gọi là lễ hội Giằng Bông, Hà Nội); hội Phết Hiền Quan ở Phú Thọ; lễ hội Đả cầu cướp phết ở Vĩnh Phúc…

Nhằm hạn chế những hiện tượng trên, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đã làm việc với một số địa phương có hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều.

Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản gửi các địa phương, trọng tâm là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đề nghị các địa phương phải căn cứ vào thực tiễn, quy định trong Nghị định 110/2018/NĐ-CP về tổ chức, quản lý lễ hội; sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

"Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện hoạt động lễ hội xuân cũng như thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo.

Các di tích, ban quản lý các lễ hội cần phải xem xét và quan tâm đến cơ sở vật chất ở những nơi tổ chức lễ hội để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn ở địa phương" - bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn