MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Gươm - không gian linh thiêng không phải là nơi thử nghiệm ý tưởng. Ảnh: THÙY ÂN

Dựng tượng rùa vàng ở Hồ Gươm: Không gian linh thiêng không phải là nơi thử nghiệm ý tưởng

ĐẶNG CHUNG - LINH PHƯƠNG LDO | 31/03/2017 11:00
Dư luận vẫn chưa lắng xuống quanh chuyện dựng mô hình khỉ Kong, rồi trước đó là làm “đại lộ danh vọng” ở hồ Gươm, thì lại tiếp tục xôn xao tranh cãi khi ý tưởng “đúc biểu tượng rùa vàng nặng 10 tấn” được đưa ra. Bởi hồ Gươm - di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia - không phải là nơi để ai cũng có thể thử nghiệm đủ loại ý tưởng. 

Thận trọng dựng tượng rùa vàng ở hồ Gươm

Đó là ý kiến của GS Phan Huy Lê quanh đề xuất đúc tượng rùa vàng cao 3,5m, nặng 10 tấn đặt ở phố đi bộ hồ Gươm của ông Tạ Hồng Quân - một công dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội. GS Phan Huy Lê cho rằng, xây dựng bất cứ công trình nào ở không gian đặc biệt này cũng cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng chứ không thể tùy tiện.

GS Trần Lâm Biền cũng phản đối gay gắt ý tưởng này và cho rằng không thể chọn con rùa làm biểu tượng của Việt Nam. “Con rùa vẫn được coi là con vật chậm chạp. Xưa các cụ đã không coi trọng con rùa, chẳng lẽ bây giờ chúng ta lại nâng nó lên thành biểu tượng” - GS Biền nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, dù khen ý tưởng dựng tượng rùa vàng ở hồ Gươm là hay, nhưng cũng khuyên lãnh đạo Hà Nội nên cân nhắc, thận trọng. “Hồ Gươm là không gian tâm linh của người Việt. Vì thế ý tưởng hay là một chuyện, thực hiện thế nào, kích thước bao nhiêu, đặt ở đâu quanh hồ Gươm... lại không dễ. Tôi nghĩ nên đưa rộng rãi lên các phương tiện truyền thông để người dân, nhà nghiên cứu cùng bàn” - là ý kiến của ông Dương Trung Quốc.

Ông Tạ Hồng Quân - người trình đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng ở hồ Gươm” lên UBND TP.Hà Nội - cho biết, ông đã lường trước phản ứng của dư luận. “Tôi biết sẽ nhận chỉ trích, sẽ không được đồng tình 100%, nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình...”

Hà Nội đã có biểu tượng!

Trong vòng một tháng trở lại đây đã có 3 ý tưởng được nhiều tác giả đề xuất, lấy ý kiến lãnh đạo Hà Nội và đều có điểm chung là muốn thực hiện ở quanh hồ Gươm. Đầu tiên là “đại lộ danh vọng” kéo dài từ tháp Hòa Phong đến đền Bà Kiệu. Đề xuất này đã bị dư luận phản đối, nhà khoa học không đồng tình. Đầu tháng 3.2017, Bộ VHTTDL tiếp tục đưa ra ý tưởng dựng mô hình khỉ Kong 3D, với mục đích quảng bá du lịch Hà Nội ăn theo cơn sốt phim “Kong: Đảo đầu lâu”. Hà Nội đã bác ý tưởng này vì cho rằng không phù hợp.

Đến nay lại bùng nổ tranh cãi về việc đúc tượng rùa vàng, dù mới là ý tưởng đề xuất nhưng đã vấp phải sự phản đối. Bởi quanh hồ Gươm đã có nhiều di tích có giá trị di sản tâm linh được người dân ngưỡng vọng. Nói đến Hà Nội, thế giới đã nhắc tới hồ Gươm, với những công trình độc đáo như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên - Tháp Bút. Không gian hồ Gươm cũng được coi như một biểu tượng, chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa, lịch sử, có cần xây thêm một công trình kiến trúc nào nữa ở đây không?

Hà Nội đã có biểu tượng, là Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã được quy định trong Luật Thủ đô tháng 11.2012. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - hiện nay đã có 2 phiên bản rùa đặt ở đền Ngọc Sơn. Đầu tiên là con rùa bằng gốm, nặng 4 tấn, mang nguyên mẫu của rùa hồ Gươm, có màu sắc, hình ảnh giống rùa thật đến 99%. Công trình này do các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng thực hiện, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp nhận trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và xác ướp rùa cũng được đặt trong đền Ngọc Sơn, hằng ngày người dân, khách du lịch vẫn vào đây tham quan.

Chia sẻ quanh ý tưởng xây dựng và chọn rùa vàng làm biểu tượng của Hà Nội, nhà điêu khắc Phạm Sinh cho hay: “Không thể cái gì cũng mang ra hồ Gươm đặt. Đây không phải là nơi muốn làm gì thì làm. Quanh hồ Gươm đã có rất nhiều công trình lịch sử văn hóa rồi, nên đưa ra ý tưởng nào cũng sẽ nhận được quan tâm và thậm chí bị phản đối. Bởi nếu làm không khéo sẽ phá hỏng cảnh quan của di tích văn hóa tâm linh đặc biệt này”.

PGS-TS Đinh Thị Vân Chi - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội: Việc có những ý tưởng đóng góp xây dựng thủ đô là điều rất nên hoan nghênh. Tuy nhiên, không gian quy hoạch hồ Gươm cần phải được tính toán kỹ lưỡng khi định trang trí, đặt thêm linh vật, biểu tượng vào đó. Tôi cho rằng nếu có sáng kiến thì nên làm điều gì đó thực chất hơn. Nếu có kinh phí nên đưa vào việc bảo tồn, chăm sóc và tạo môi trường sống cho những con rùa còn lại ở hồ Gươm. Nếu cần biểu tượng thì những biểu tượng sống đó còn sinh động hơn nhiều lần với những kỷ lục chỉ có giá trị bên ngoài mà chúng ta tạo nên.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố: Ở một số nơi, khi có truyền thuyết gắn với đời sống hiện nay thì có thể có những biểu tượng. Như ở Singapore là biểu tượng sư tử hoá rồng, ở Mỹ là biểu tượng tượng Nữ thần Tự do…, những cái đó đã trở thành biểu tượng của dân tộc chứ không còn là biểu tượng riêng của địa phương nữa nên yêu cầu chất lượng rất cao.

Đây không chỉ là vấn đề của văn hóa nghệ thuật nói riêng mà còn là của địa phương, của chính quyền quản lý. Cần phải xem xét vị trí đặt ở đâu, không gian như thế nào. Quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm hiện nay đã được nghiên cứu định hướng đến 2030, trong đó xác định tất cả các tiện ích đô thị như tượng đài, kiểu dáng, trang trí… Mặt khác, Hà Nội có cả một quy hoạch tượng đài, văn hóa. Vậy thì tất cả phải được nghiên cứu sao cho phù hợp.                            TRẦN VƯƠNG (ghi)

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn