MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung tự họa của Dũng Choai - nguyên họa sĩ Báo Lao Động, hiện làm việc tại Báo Đại Đoàn Kết.

Duyên nợ với Lao Động Cuối tuần

Họa sĩ Dũng Choai LDO | 28/01/2020 19:30

Tôi vốn không mê tín, nhưng có những việc đã xảy ra nhiều năm, ngẫm lại thấy duy tâm một tí cũng chả hại gì. Thậm chí, nó còn có chỗ hay ho nữa là đằng khác.

Năm 1998, tôi vào làm ở Phòng Chế bản của Báo Lao Động. Khi đó, việc làm kỹ thuật chế bản trong một trung tâm kỹ thuật lớn như Lao Động là niềm mơ ước của nhiều họa sĩ đồ họa. Lương cao, ngồi phòng máy lạnh sạch sẽ tinh tươm với dàn máy tính Apple thượng hạng. Tóm lại, chỉ còn mỗi việc yên tâm công tác! Thế nhưng, đường đời muôn nẻo, tuổi trẻ muốn làm nhiều thứ, vẽ trên máy mãi lại muốn vẽ tay. Nhìn sang Lao Động cuối tuần thấy họa sĩ Trịnh Tú vẽ minh họa, tôi ngứa ngáy không yên.

Minh họa cho bài “Cỗ nhà bác Thế”.

Quãng năm 2000, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn nói trong cuộc họp giao ban, ai có khả năng gì đều có thể tham gia với tờ cuối tuần. Tôi nhót đi gặp cụ Lý Sinh Sự - nhà báo Trần Đức Chính - phụ trách Lao Động Cuối tuần, xin tham gia vẽ minh họa. Cụ Lý cho vẽ thử và bảo “đang cần biếm họa, mày vẽ được thì tốt”. Tôi nhận ngay, nhưng thú thực lúc đó cũng mới vẽ biếm theo lối tự nhiên, học mót theo tranh đăng trên sách báo. Vẽ chơi chơi vậy chứ chưa có biếm họa đăng báo nào. 

Hôm nộp tranh, sợ toát mồ hôi. May, cụ Lý bảo, mày vẽ được đấy, giao cho họa sĩ Lê Quang Vinh phụ trách. Từ đó, lúc nào cần vẽ biếm họa, tôi lại được giao việc. Chuyện vẽ biếm họa, bắt đầu với Lao Động Cuối tuần như thế.

Minh họa cho bài “Bún cây nhãn”.

Ban đầu, tôi chỉ vẽ tranh vui trám vào mục “Xả xì trét”. Tranh chỉ bé bằng con tem, to hơn thì bằng bao diêm, vậy mà sướng rung rinh. Vẽ từ vài hôm trước, sửa sang chán chê mới phải nộp. Báo đi in rồi, rình từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau, đến khi cầm được lên tay là mở vội đến mục có tranh để nâng niu hít ngửi! 

Có một kỷ niệm vui, anh Vinh bảo, mày vẽ bé bé bằng bàn tay thôi, sau thu lại thì nét không bị nhỏ quá, in nó mới ra. Tôi nói bừa, em vẽ to để sau này in to luôn hi hi. 

Liều nói vậy, chẳng ngờ một thời gian sau được đăng tranh to thật. Số là, nhân có vụ án Năm Cam. Ảnh kèm bài không có, tôi vừa vẽ xong một bức biếm họa đề tài này, Ban Biên tập duyệt in to luôn. Hôm sau, báo ra, được khen, được thưởng ngay.

Minh họa cho bài “Ăn cá trích ở Hà Lan”.

Sau vụ này, tôi bắt đầu được vẽ nhiều tranh cho bài chính, không phải in tranh bao diêm nữa. Cứ thế, dần dần vẽ ra trang 1 báo ngày. Tranh có mầu, yêu cầu ngày một khó hơn, phải vẽ nhanh hơn để đáp ứng thời gian ra báo. Áp lực công việc cao là cách trui rèn tay nghề tuyệt vời nhất. Nhờ môi trường Lao Động, vài năm sau, tôi đã vững vàng với mảng biếm họa báo chí.

Năm 2010, tôi tìm thử thách ở môi trường mới. Tôi vẫn cộng tác với báo cũ, chỉ thi thoảng, kiểu xuân thu nhị kỳ. Tưởng chỉ vậy, nhưng rốt cuộc, Lao Động Cuối tuần lại đưa tôi rẽ vào lối đi mới. Lần này là vẽ minh họa. 

Dắt mối cho tôi lần này là nữ nhà văn Di Li xinh đẹp. Trước đó, tôi đã có nhiều biếm họa trên các ấn phẩm của Di Li. Trong một lần bàn về dự án sách mới, Di Li nói “em có một số bút ký về ẩm thực, anh vẽ nhé?”. Vụ ăn uống chưa biết vẽ vời thế nào. Tôi bảo Di Li, để anh vẽ thử, gửi cho anh mấy bài đọc trước. Có bài, nghĩ ngợi, phác thảo tranh gần một tuần sau, tôi mới gửi tranh cho Di Li và rất nhiều mặt cười trong thư trả lời.

Minh họa cho bài “Nàng Dae Jang-geum”.

Di Li gửi bài và tranh cho Lao Động Cuối tuần nơi cô đang giữ chuyên mục. Cứ thế, hằng tuần, bài gửi đến, tranh minh họa trả về, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 2 năm. Một hôm, Di Li gọi, hẹn đi cà phê bàn chuyện tập hợp tranh bài in sách. Hai anh em ngồi kiểm được hơn 100 bài viết và tranh. Nhà sách Thái Hà, đối tác làm sách cho Di Li phải tách ra, in làm 2 cuốn. Đầu tháng 11 vừa qua, sách ra mắt tưng bừng tại Ngày Văn hóa Palestine, đích thân ngài Đại sứ Saadi Salama dẫn chương trình. 2 tuần sau, sách được giới thiệu tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace tại Hà Nội với một triển lãm tranh minh họa cuốn sách. Vậy là hơn 2 năm, Lao Động Cuối tuần lại là nơi cho tôi cơ hội hoàn thiện mảng tranh minh họa. 

20 năm qua, đã 2 lần, Lao Động Cuối tuần cho tôi cơ hội phát triển nghề nghiệp, thành công và niềm vui. Đây là một cái duyên lớn. Hy vọng, 10 năm tới, tôi sẽ lại có cơ hội mới thật hay với Lao Động Cuối tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn