MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trong thư phòng của mình. Ảnh: Tường Minh

Gặp “ông Tây lai” chuyên lưu giữ sách cổ ở Huế

Tường Minh LDO | 01/05/2023 12:01

Sinh thời, cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan gọi nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Hữu Châu Phan là “ông Tây lai” bởi bề ngoài cao lừng lững. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan hiện đang có một thư hiện lưu giữ hơn 1 vạn cuốn sách – phần lớn là sách cổ quý hiếm và mở cửa phục vụ bạn đọc miễn phí.

Thư viện của 2 thế hệ

Thư phòng của ông Châu Phan nằm trên tầng hai khu biệt thự giữa một khu vườn rộng rợp bóng cây lâu năm ở đường Nguyễn Huệ, nơi đặt thư viện gia đình Nguyễn Hữu đồng thời là tủ sách của Trung tâm Nghiên cứu Huế do ông Nguyễn Hữu Châu Phan làm chủ bút.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan với Tập san Nghiên cứu Huế số mới nhất. Ảnh: Tường Minh 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết: “Việc thành lập thư viện, chính xác hơn là thư phòng vào năm 2004 và đó là di nguyện của cha tôi, tôi chỉ là người kế tục”. 

Cha nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan là ông Nguyễn Hữu Đính. Ông cụ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông lâm súc Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20 và trở thành một trong những kỹ sư thuỷ lâm đầu tiên của Việt Nam.

Trước 1975, cụ từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ: Tổng thanh tra Thuỷ lâm Việt Nam, Giám đốc Lâm trường Trung Việt, Trưởng khu Lâm nghiệp IV... Sau 1975, ông cụ là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Huế, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). 

Là kỹ sư thuỷ lâm, nhưng ông cụ rất ham hoạt động xã hội, và đặc biệt là rất mê sách. Lương tiền bao nhiêu, ông cụ dồn cho việc sưu tầm sách.

Sinh thời, ông cụ có 4 ước nguyện lớn: Mở một thư phòng; ra tập san nghiên cứu Huế; làm một bộ từ điển bách khoa về Huế; và thứ nữa, cụ khao khát được lập một uỷ ban để nghiên cứu một cách rốt ráo, tận gốc mọi vấn đề về Huế; để từ đó thấy được Huế mình có cái gì hay, cái gì mạnh mà phát huy; cái gì yếu, cái gì dở mà chế ngự.

Trong 4 ước nguyện của ông cụ, đến nay nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan mới chỉ làm được có hai là làm “Nghiên cứu Huế” và thành lập một thư phòng. 

Thư phòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan hiện có hơn 1 vạn cuốn, trong đó thân sinh của ông để lại khoảng 4.500 cuốn và số còn lại do ông sưu tập.

"Nhưng chính bộ sách của ông cụ mới là vô song vì là sách quí, chuyên dùng, trong đó có hai loại đặc biệt là sách thủy lâm và sách mỹ thuật - văn học, nhiều quyển hiện nay rất hiếm và rất có giá trị vì ấn hành ít, khó có thể in lại" – ông Nguyễn Hữu Châu Phan nói. 

Trong gia sản sách vở do cụ thân sinh ông để lại, được xem rất quí giá và đầy đủ là khoảng 100 bộ từ điển, trong đó có những bộ rất quí như trọn bộ Bách khoa từ điển về cây ở Đông Dương xuất bản liên tục tại Paris từ năm 1908-1942, bộ cá, bộ chim ở Đông Dương, xuất bản tại Pháp đầu thế kỷ 20.

Có ba cuốn hồi ký của các vị linh mục bằng tiếng Pháp, một cuốn xuất bản vào thế kỷ 17, hai cuốn xuất bản thế kỷ 18 và rất nhiều cuốn sách xuất bản vào thế kỷ 19... 

Tủ sách của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi tủ sách gia đình lần 2 do Nhà xuất bản Văn Nghệ tổ chức vào tháng 3.2008.

Hạnh phúc nếu sách được phục vụ cộng đồng

“Thư phòng của tôi mở cửa một tuần 3 buổi sáng (hai, tư, sáu) để phục vụ miễn phí những ai có nhu cầu đọc và tra cứu... Sách của tôi không cho mượn. Ai có nhu cầu thì tôi sẽ đi photo giúp họ.

Một góc thư phòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan. Ảnh: Tường Minh 

Bạn đọc của thư phòng chủ yếu là sinh viên các khoa Văn, Sử của Trường Đại học Khoa học Huế và các nhà nghiên cứu. Trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, đến từ các trường đại học của Mỹ, Úc... đã tìm đến thư phòng của tôi để tra cứu. 

Tôi quan niệm, có nhiều sách rất hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu sách của mình được phục vụ cộng đồng, hỗ trợ công việc, đem lại tri thức và sự mở mang cho nhiều người khác. Và niềm hạnh phúc mới nhất của tôi là thư phòng vừa giúp cho một nhà nghiên cứu người Úc hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài Vườn Quốc gia Bạch Mã”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan tâm sự.  

Nhiều năm trở lại đây, thư phòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan là một trong những địa chỉ lui tới thường xuyên của những “đầu nậu” mua bán sách cổ.

Tuy nhiên ông nhất quyết không bán để giữ tủ sách trọn vẹn. Hơn một lần ông tỏ ra lo lắng trước nạn “chảy máu” sách cổ khỏi Huế: "Sách quý bị bán đi, cổ vật bị chảy máu, giá trị văn hóa mai một, kể cả người tài cũng rời bỏ Huế... Nếu ai có sách cũng bán thì e rằng một thời gian nữa thôi Huế sẽ trở nên rỗng tuếch". 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan năm nay đã 86 tuổi. Và trong tất cả các nhà nghiên cứu Huế, ông Nguyễn Hữu Chân Phan là một con người “lạ” bởi cái bề ngoài cao lớn lừng lững và phong cách quý tộc mà bạn ông, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan hay gọi đùa là “ông Tây lai”.

Lạ bởi ông sống khép kín, hầu như không “đăng đàn” và thoát ra khỏi những cuộc tranh cãi về học thuật để chuyên tâm và “Nghiên cứu Huế” và chăm chút cho thư phòng của mình...

Ngoài sở hữu một thư phòng hơn 1 vạn đầu sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan còn là chủ biên, đồng thời là chủ chi của tập san “Nghiên cứu Huế”. Nghiên cứu Huế” tập một ra mắt bạn đọc vào năm 1999.

Tuy nhiên, tiền thân của tập san “Nghiên cứu Huế”, số đầu tiên lại ra đời từ năm 1973 với tên gọi là “Nghiên cứu Việt Nam” với hình thức niên san do ông cụ Nguyễn Hữu Đính tổ chức. Đáng tiếc là “Nghiên cứu Việt Nam” chỉ ra được số đầu tiên, đến số thứ 2 thì bị đình bản với lý do: Trong số 1 trước đó đã dám đăng một bài nghiên cứu về “các thể loại dân ca Thanh Hoá” của một tác giả lúc đó đang sống ở miền Bắc là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh.

Những năm tháng sau đó là giải phóng miền Nam, rồi cùng với hàng loạt lý do chủ quan và khách quan khác nên đến năm 1995, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan mới thành lập được Trung tâm Nghiên cứu Huế, quy tụ được một số anh em nghiên cứu với nhen nhóm sẽ tái lập lại “Nghiên cứu Việt Nam” dưới hình thức mới là “Nghiên cứu Huế”.

Đến năm 1999, “Nghiên cứu Huế” số 1 ra mắt bạn đọc, và số gần nhất (thứ 9) vừa ra mắt vào cuối năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn