MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gen Z làm sống lại dòng tranh có nguy cơ thất truyền

Tạ Quang LDO | 13/03/2023 08:18

Được xem là dòng tranh đặc biệt vang danh một thời của người dân Nam Bộ vào giữa thế kỷ 20, tranh gói vải đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhưng với đam mê, chàng trai Gen Z Nguyễn Minh Trí (21 tuổi) đã làm “sống” lại dòng tranh này. 

Được xem là loại tranh đặc biệt của người dân Nam Bộ, tranh gói vải là loại tranh tạo hình nổi bằng chất liệu vải trên nền giấy khiến những bức tranh trở nên sinh động giống như thật.

Thời hưng thịnh của dòng tranh này vào khoảng thập niên 50 - 60 của thế kỷ 20. Đến thời điểm hiện tại, số lượng người theo nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Anh Nguyễn Minh Trí (21 tuổi) đã làm “sống” lại dòng tranh nức tiếng một thời. Ảnh: Tạ Quang

Với đam mê, anh Nguyễn Minh Trí (21 tuổi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đã làm “sống” lại dòng tranh nức tiếng một thời. Đối với anh, một người trẻ chọn khởi nghiệp và lưu giữ dòng tranh xưa này là một điều đặc biệt. Bởi dòng tranh này có nguy cơ thất truyền, do ít có người đam mê, hiếm có người trẻ chọn theo nghề.

Minh Trí cho biết, từ tháng 6.2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê nhà, anh quyết tâm theo đuổi nghề làm tranh gói vải với mong muốn lưu giữ và phát triển dòng tranh này đến với nhiều người trẻ.

“Tôi biết đến dòng tranh này từ nhỏ, thông qua bức ảnh thờ ông bà cố. Thấy tranh nổi trên nền giấy, sống động như thật khiến tôi mê mẩn. Vốn sẵn có năng khiếu hội họa nên tôi tự tìm tòi học hỏi. Về sau, tôi có theo học vẽ cùng người thầy ở địa phương và quyết tâm gắn bó với dòng tranh gói vải” - anh Trí nói.

Những bức tranh đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên tranh làm ra không có hồn. Không nản chí, anh quyết tâm tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm sau những lần thất bại, anh mới cho ra đời những bức tranh đẹp hơn.

Tranh gói vải được làm từ vải, bông gòn, giấy mỏng, giấy carton và khung vải lụa trắng làm phông nền. Cách tạo một bức tranh gói vải rất kỳ công và phải trải qua nhiều công đoạn như: Phác thảo nền tranh trên bìa carton, cắt, dán hồ, đắp bông gòn, dán vải, đóng khung.

Để hoàn thành bức tranh Bác Hồ, anh Trí phải nghiên cứu từ chất liệu vải áo để thiết kế may cho đẹp và giống nhất. Một bức tranh hoàn thiện thường phải mất từ 7 - 10 ngày. Ảnh: Tạ Quang

Anh Trí cho rằng, các chủ thể chính như người, con vật, cây cối được dùng bông gòn tạo hình có độ nổi trên bề mặt. Sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho giống thật nhất.

Chàng trai Gen Z cho hay, đối với tranh gói vải chân dung được xem là khó nhất, bởi phải “thổi hồn” để tranh sống động và chân thật nhất. Các chi tiết thường được tạo hình nổi như tóc, râu, mắt, tai, mũi, trang phục… Đây chính là những chi tiết thật nhất khiến chân dung của người được vẽ như hình ảnh ngoài đời thường.

Nhiều tác phẩm về đức Phật của anh Trí. Ảnh: Tạ Quang

“Như bức tranh Bác Hồ, tôi phải nghiên cứu từ chất liệu vải áo để thiết kế may cho đẹp và giống nhất. Riêng phần râu, được tôi sử dụng vỏ bắp đem ngâm nước, dùng bàn chải chà tách chất diệp lục ra, lấy phần gân vỏ để đính lên. Phải làm sao nổi bật được thần thái nhân từ, hiền hậu của Bác” - anh Trí bật mí.

Theo anh Trí, để làm được một bức tranh hoàn thiện thường phải mất từ 7 - 10 ngày do nhiều yếu tố khách quan. Và những bức tranh nếu được bảo quản tốt, sẽ có tuổi thọ lên đến 60 năm.

Đến nay, anh Trí đã làm ra hơn 50 bức tranh gói vải, như: Tranh chân dung, tượng thờ nghệ thuật, tôn giáo, cổ tích, phong cảnh, lịch sử... Trong đó, có nhiều tranh chân dung về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đức Phật…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn