MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cố nhạc sĩ Lam Phương. Ảnh: ĐGCC.

Gia đình thực hiện di nguyện đưa tro cốt NS Lam Phương về chôn trên đất mẹ

DI PY LDO | 16/09/2022 18:44
Sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương luôn mong mỏi một lần được trở lại Việt Nam, song cho đến khi qua đời, ông vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện ấy. Hai năm sau khi nhạc sĩ tài hoa ra đi, gia đình quyết định đưa tro cốt của ông về lại quê hương, cho ông yên nghỉ nơi đất mẹ.

Nhạc sĩ Lam Phương rời Việt Nam vào năm 1975, hơn 40 năm xa xứ là chừng ấy thời gian ông mang nỗi nhớ khắc khoải về quê hương, xứ sở, mong mỏi được trở về quê nhà sau hơn nửa đời người phiêu bạt nơi đất khách.

Cố nhạc sĩ từng chia sẻ, sau năm 1979, thời điểm mẹ qua đời ở Việt Nam mà ông không thể về nước gặp mẹ lần cuối, thắp cho bà nén nhang và hoàn thành bổn phận cuối cùng của một người con.

Nỗi day dứt ấy đã thôi thúc Lam Phương sáng tác bài Khóc mẹ, Tạ ơn mẹ để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng của bà.

Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ. Ảnh: GĐCC.

Cùng với tâm nguyện viếng mẹ, Lam Phương cũng khao khát trở lại Việt Nam để gặp gỡ khán thính giả vẫn luôn ủng hộ và yêu mến những nhạc phẩm của mình. Đáng tiếc là từ trước đến nay, những người yêu nhạc Lam Phương chỉ có thể gặp ông ở một số nước như: Mỹ, Pháp, Australia, Canada… và một lần ở Singapore hồi tháng 8.2016, khi cố nhạc sĩ thực hiện chương trình "Tình ca Lam Phương in Singapore". Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, nhạc sĩ tài hoa này từng bộc bạch nỗi mong mỏi được về thăm quê hương: “Đúng là tâm nguyện lớn của tôi vẫn là được một lần về thăm quê, "gom góp yêu thương quê nhà..." (lời bài hát Tình bơ vơ). Nhưng giờ sức khỏe tôi yếu đi nhiều, di chuyển khó khăn, mọi người đỡ lên xuống rất vất vả. Tôi bay đi xa là tim hay bị mệt, khó thở nên giờ muốn lắm mà không dám đi”.

Tháng 12.2020, Lam Phương trút hơi thở cuối cùng tại Mỹ sau thời gian điều trị tích cực vì chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Cho đến khi ra đi, ông vẫn chưa một lần được về lại quê nhà. Cha đẻ ca khúc "Tình bơ vơ" qua đời ngay thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên gia đình không thể đưa nhạc sĩ về Việt Nam như điều ông hằng mong ước. Lam Phương được hỏa táng tại Mỹ. Tháng 11.2022, gia đình quyết định sẽ đưa tro cốt của ông về Việt Nam, hoàn thành tâm nguyện của nhạc sĩ tài hoa.

Những năm bệnh tật, già yếu, Lam Phương sống cùng gia đình em gái út (cô Bảy) và được chăm sóc tận tình. Cô Bảy cũng là người sẽ mang cố nhạc sĩ về Việt Nam và cho ông yên nghỉ tại nghĩa trang An Viên, Bình Dương. Theo lịch trình dự kiến, ngày 16.11, tro cốt của nhạc sĩ Lam Phương sẽ được đón từ sân bay về nhà ở Quận 10 (TP.HCM), đây cũng chính nơi ông đã rời đi vào 47 năm trước. Ngày 17.11, gia đình tổ chức lễ cúng tại chùa Giác Ngộ (Quận 10) trước khi tro cốt của ông được đưa đi chôn cất tại nghĩa trang vào sáng 20.11. Người hâm mộ có thể đến viếng Lam Phương tại chùa Giác Ngộ và nghĩa trang An Viên, Bình Dương. 

Cố nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20.3.1937 ở Kiên Giang. Ông là con đầu trong gia đình.

Là anh cả trong gia đình nghèo khó ở Rạch Giá, Kiên Giang, vậy nên từ nhỏ, nhạc sĩ Lam Phương là người hiểu rõ nhất về sự cơ cực của bố mẹ. Sau đó, biến cố xảy ra với gia đình ông, bố bỏ đi, mẹ ông phải vất vả làm đủ nghề để nuôi ông và các em.

Chính sự vất vả ấy đã tạo nên một Lam Phương có lối sống u buồn, cô đơn hơn. Năm 15 tuổi, Lam Phương có sáng tác đầu tay cho mình. Đó là ca khúc "Chiều thu ấy". Tuy nhiên, hành trình đi đến những bản tình ca sâu lắng không hề dễ dàng.

Năm 1959, ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng. Năm 1970, tuyệt phẩm "Thành phố buồn" ra đời - đây được xem là mốc son rực rỡ trong sự nghiệp của ông. Ca khúc phổ biến đến mức mà người người, nhà nhà ai cũng nghe. Qua nửa thế kỷ, tuyệt phẩm này vẫn liên tục được các ca sĩ trong, ngoài nước biểu diễn. Nhờ tiền bán bản quyền ca khúc, nhạc sĩ Lam Phương đã tậu được căn biệt thự 300m2 ở quận 10, TPHCM. Vào cuối tháng 12.2020, cố nhạc sĩ đã qua đời để lại thương tiếc với người hâm mộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn