MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá trị đặc biệt của 6 bảo vật quốc gia về văn hóa Champa

NGUYỄN HỮU MẠNH LDO | 11/02/2023 09:55

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện là nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa Champa lớn nhất cả nước. Bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày 6 bảo vật quốc gia, là nơi tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng.  

1. Đài thờ Trà Kiệu là đài thờ Champa duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ Yoni tròn ở trên. Các chạm khắc hình người trên đài thờ tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật Champa, phong cách Trà Kiệu, với 4 mặt trang trí thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, tiêu biểu cho sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các chi tiết nghệ thuật trên búi tóc, trang sức, y phục và dáng điệu của các vũ nữ trên đài thờ Trà Kiệu đạt tính chất điển hình để khái quát, khi nghiên cứu so sánh các phong cách nghệ thuật Chăm Pa và các nước Đông Nam Á.

Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh  

2. Tượng Bồ tát Tara (Laksmindra-Lokesvara) bằng đồng có kích thước lớn, tượng được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ Tát tại Phật viện Đồng Dương. 

Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, đặc biệt có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán. Trong các cuộc triển lãm quốc tế, pho tượng này được coi là hiện vật quan trọng, điểm nhấn của cuộc triển lãm.

Ảnh:  Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

3. Đài thờ Đồng Dương là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt tiêu biểu, minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của vương quốc Champa cổ với ảnh hưởng Phật giáo rõ nét. Tuy đã bị sứt vỡ cục bộ một số bộ phận, chi tiết nhưng xét về tổng thể, đài thờ này vẫn giữ được toàn vẹn các yếu tố tạo nên giá trị tiêu biểu của hiện vật.

 Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

4.Gajasimha là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Tại các đền - tháp, tượng Gajasimha sẽ được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình. 

Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII - VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này.

 Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh 

5. Theo Bà La Môn giáo, Ganesha là một vị thần đáng kính, nhân dạng của thần kỳ dị, với đầu voi mình người. Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. 

Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và cũng là một trong số những vị thần được yêu mến nhất với khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng 

6. Đài thờ đá Mỹ Sơn E1 là hiện vật tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại Khu di tích Mỹ Sơn, là một cứ liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và vương quốc cổ Chămpa nói chung.

Đây là đài thờ Chămpa duy nhất miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Ấn Độ giáo cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật một cách chi tiết.

Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn