MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá trị lịch sử của Súng Thần công - Bảo vật quốc gia

NGUYỄN HỮU MẠNH LDO | 08/02/2023 09:25
Trong số 27 bảo vật quốc gia mới được được Thủ tướng Chính phủ công nhận, súng Thần công thời Lê Trung hưng hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là hiện vật hiếm, quý giá, là minh chứng cho trình độ kỹ thuật đúc đồng Đại Việt thế kỷ XVII.  

Súng Thần công là một loại pháo, có nòng dùng để bắn và thuộc loại vũ khí nóng, gây sát thương. Súng Thần công Hoàng thành Thăng Long có ký hiệu A9-KL023, được phát hiện năm 2003 tại hố khai quật khu A, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 

Súng Thần công thời Lê trung hưng mới được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Súng có hình trụ tròn, dài 120-121cm, gồm 4 phần: miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Phần miệng súng hình trụ tròn đều, mép miệng không loe, toàn bộ phạm vi của miệng to hơn so với phần thân tạo cảm giác như một cái đai lớn bao toàn bộ phần miệng.

Phần thân súng hình trụ tròn nhưng đường kính thân không đều mà lớn dần về phía bầu súng. Kích thước phần thân súng thót lại so với phần miệng và phần bầu, dài 51cm, trên thân có 5 đai tròn, các đai cách nhau tương đối đều, khoảng 8cm. 

Bầu súng hình trụ tròn, ống tròn đều ở hai đầu hơi phình ở giữa, dài 23cm, đường kính 17-18cm, trên thân khắc 5 chữ Hán "Tứ đại súng nhất hiệu", tức là 4 khẩu súng lớn, đây là khẩu số một. Năm chữ này được xếp thành hai hàng, viết dọc theo chiều từ miệng súng xuống dưới chuôi. Nét chữ, sâu, sắc, rõ ràng, cho thấy chữ được khắc nguội sau khi đúc.

Phía dưới hai hàng chữ Hán, ở phần tiếp giáp giữa phần thân và chuôi súng có 1 lỗ tròn, đường kính 0,45cm, đây có thể là lỗ điểm hỏa. Phần chuôi súng dài tổng cộng 31cm, chia làm hai phần, phần tiếp giáp với Bầu súng thân thót lại, phần cuối phình to ngang với phần Bầu.

Chữ khắc "Tứ đại súng nhất hiệu" trên súng Thần công. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Súng thần công Hoàng thành Thăng Long là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích Khảo cổ 18 Hoàng Diệu, thuộc Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, một di tích quan trọng. Các tư liệu hình ảnh khai quật cho thấy, Súng thần công Hoàng thành Thăng Long xuất lộ, cách mặt đất trước khi khai quật khoảng 2,5m, địa tầng ổn định hoàn toàn không có sự xáo trộn.

Các tư liệu hình ảnh hiện trường quá trình xuất lộ cho thấy đầu súng cắm xuống, chuôi quay lên trên. Bên cạnh Súng thần công, còn phát hiện nhiều đồ gốm sứ, đồ sành, chân tảng của nhiều thời kỳ trong đó các hiện vật có niên đại muộn nhất là đồ gốm men và đồ sành thế kỷ XVII.

Súng thần công Hoàng thành Thăng Long còn là hiện vật độc bản, được phát hiện trong hố khai quật có địa tầng ổn định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tin cậy cao. Súng được đúc trong thế kỷ XVII có số lượng rất ít, chủ yếu được sưu tầm, rất ít súng được phát hiện qua các cuộc khai quật nên nguồn gốc không thật rõ ràng. Về mặt loại hình, hình dáng, kích thước, trọng lượng, hiện chưa có hiện vật nào niên đại thời Lê có thể so sánh với Súng thần công Hoàng thành Thăng Long.

Ngoài ra, súng thần công Hoàng thành Thăng Long còn thể hiện giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu đặc sắc, là minh chứng chứng cho trình độ phát triển của súng thần công Việt Nam thế kỷ XVII. Súng thần công này là hiện vật hiếm và quý giá cho biết về hình dáng, cấu trúc của súng thần công của Việt Nam.

Thêm vào đó, những chữ viết trên súng cho thấy ngay từ thế kỷ XVII, việc bố trí và sử dụng súng luôn là một bộ gồm nhiều súng và hiện vật này là khẩu số một trong một bộ gồm 4 khẩu. Thông tin này góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu và làm rõ cấu trúc vận hành của một đơn vị pháo trong quân đội của các triều đại quân chủ Việt Nam.

 Súng Thần công lúc mới xuất lộ. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Súng thần công Hoàng thành Thăng Long là ví dụ tiêu biểu thể hiện trình độ kỹ thuật đúc đồng Đại Việt thế kỷ XVII. Súng thần công Hoàng thành Thăng Long có hàm lượng thiếc cao hơn rất nhiều so với bình thường. Điều này không chỉ cho thấy nguyên liệu để đúc súng được lựa chọn kỹ càng và tính toán tỉ lệ cẩn thận mà còn cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về tính chất và công năng của vật liệu.

Điều này phản ánh trình độ kỹ thuật đúc đồng của Địa Việt thế kỷ XVII nói chung và trình độ đúc súng thần công của Đại Việt nói riêng đã đạt đến trình độ cao, những nghệ nhân đúc đã nắm rõ tính chất của vật liệu, yêu cầu của sản phẩm và làm chủ công nghệ đúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn