MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ảnh: T. L

Giải bài toán khai thác và bảo vệ di sản

MAI CHÂU LDO | 15/01/2020 14:55

Kết thúc năm 2019 với nhiều thắng lợi khi đạt các giải thưởng lớn quốc tế, nhưng du lịch Việt Nam vẫn đối diện với nhiều vấn đề và cả nguy cơ do nhiều di sản bị khai thác sai cách, chưa phát triển hết tài nguyên vốn có.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều lợi thế về di sản khi liên tiếp được bình chọn là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” hay “Điểm đến hàng đầu Châu Á”… Chỉ tính riêng năm 2019, du lịch Việt vượt chỉ tiêu đề ra khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế đến nghỉ dưỡng và khám phá. Một trong những yếu tố làm nên sự phong phú, hấp dẫn để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đó chính là các di sản văn hoá, thiên nhiên đa dạng của Việt Nam.

Có một thực tế phải đối diện: Nhiều di sản vốn được coi là nền tảng trọng yếu của ngành du lịch Việt Nam đang xuống cấp, hư hại trầm trọng, mà du lịch Việt Nam chưa có một hướng đi cụ thể để bảo vệ, khai thác mang tính bền vững. Trong khi đó, do điều kiện eo hẹp của ngân sách Nhà nước dành cho việc tôn tạo và bảo tồn, nhiều di sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện, một số nơi di sản đang bị xâm hại nghiêm trọng. Các cấp quản lý nhà nước liên tục đưa ra cảnh báo, nhưng trên thực tế, nhiều di sản vẫn bị lấn chiếm, khai thác với nhiều công trình xây dựng trái phép, điển hình như vụ Tràng An, xây chùa ở Lũng Cú (Hà Giang)… Bức xúc với thực trạng thiếu tôn trọng di sản, ông Vũ Thế Bình cho rằng, bảo vệ di sản là kế hoạch dài hơi không thể làm nhanh hoặc ồ ạt được. Cần có một chiến lược chặt chẽ, rõ ràng và chắc chắn không thể thiếu sự đồng lòng, chung tay của tất cả.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch) khẳng định, nếu muốn phát triển du lịch bền vững, phải ý thức gìn giữ và bảo vệ di sản thiên nhiên bởi “di sản là cơ sở để phát triển du lịch nên cần phải được khai thác hiệu quả. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng, tự hào về chính nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam”.

Bảo vệ di sản là nhiệm vụ sống còn liên quan đến phát triển du lịch Việt Nam, thế nên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn chủ đề “Di sản - Nguồn lực của Du lịch Việt Nam” cho Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2020) diễn ra từ ngày 1 - 4.4. Trong đó, diễn đàn “Di sản - Nguồn lực phát triển của Du lịch Việt Nam” với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận về vai trò của các di sản trong phát triển du lịch dưới cả góc độ bảo tồn cũng như khía cạnh kinh tế để thúc đẩy nhận thức trong khai thác di sản vì sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

3 thành phố của Việt Nam nhận giải “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020”

Vũng Tàu, Quy Nhơn và Huế sẽ nhận giải “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020” vào ngày 16.1 tại Brunei, giải thưởng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020. Để được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” phải đảm bảo 7 tiêu chí, gồm: Quản lý môi trường chung; Đường phố sạch sẽ, vệ sinh; Quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; Chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; Nhiều không gian xanh; Có các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; Hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn…

Đây là lần thứ 2 Huế vinh dự nhận được giải thưởng bên cạnh Hội An, Đà Lạt từng được vinh danh năm 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn