MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội đồng chấm sơ khảo giải báo chí quốc gia năm nay. ảnh: Nguyễn Văn Điệp

Giải báo chí quốc gia lần thứ XI: Ảnh bộ lên ngôi, ảnh đơn mất mùa

Việt Văn LDO | 27/06/2017 13:00
Không có giải A vì thực sự không có tác phẩm nào nổi trội lên, có 1 giải B cho phóng sự ảnh “Khẩn cứu rừng Tây Nguyên” của Phan Minh Đạo (Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng) cùng 3 giải C và 2 giải khuyến khích cho các tác giả khác. Giải ảnh báo chí quốc gia lần thứ XI vừa trao tối 21.6 có một số điểm mới so với mọi năm, và chất lượng cao vẫn luôn là đòi hỏi cho các tác phẩm dự thi.
Chưa thỏa mãn

Tác phẩm đoạt giải B của Phan Minh Đạo có tính dấn thân và thể hiện công phu của người chụp nhưng chất lượng thẩm mỹ (bố cục, tạo hình) của bộ ảnh chưa ấn tượng.

Nhóm ảnh “Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng cộng sản Việt Nam - Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới” của nhóm tác giả Trí Dũng, Nhan Sáng, Đức Tám, Phương Hoa (Thông tấn xã VN) đầy đủ bao quát được 1 sự kiện chính trị trọng đại của cả nước nhưng thực sự góc nhìn chưa sáng tạo, ảnh mới chỉ dừng ở mức phản ánh.

Trong khi đó bộ ảnh “Trường Sa rộn ràng trong ngày bầu cử” của tác giả Xuân Vinh cũng “ăn” ở tính sự kiện thời sự, góc chụp có đa dạng 1 chút nhưng gây cảm giác “thiếu” 1 chút gì đó.

Trong 3 bộ ảnh đoạt giải khuyến khích, tính phóng sự báo chí dạng “Photo story” thể hiện rõ ở “Thành phố Rạch Giá - Kiên Giang”, “Cháy kho hàng 290 - Quang Trung thiệt hại trên 12 tỉ đồng“ của tác giả Danh Hiệp (Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang). Trong khi đó, “Quặn lòng với ngư dân miền Trung” của Hoàng An (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình) phản ánh hậu quả Formosa, môi trường biển bị ô nhiễm, ngư dân buồn bã không ra khơi được, với sự khai thác yếu tố toàn trung và tương đối cận cảnh khá tốt….

Năm nay, các cá nhân đăng ký dự thi gửi ảnh nhiều hơn hẳn trong khi chi hội các báo lại không mặn mà lắm với giải ảnh báo chí quốc gia hàng năm. Con số 120 tác phẩm (ảnh đơn và ảnh bộ) gửi về dự thi một giải báo chí quốc gia hàng năm thực sự là ít, dù so với năm ngoái có nhỉnh hơn. Nó chưa phản ánh chân xác mặt bằng chung của ảnh báo chí năm qua.

Một thực tế khác là nhiều bức ảnh báo chí gây ấn tượng mạnh đã đăng rải rác trên các phương tiện truyền thông trong năm qua cuối cùng lại không xuất hiện trên bàn chấm sơ khảo của Hội đồng. Do cá nhân không gửi, do chi hội báo không chọn hay còn lý do nào khác, kể cả chưa tin vào sự thẩm định của Hội đồng? Dù sao đó cũng là điều đáng tiếc.

Ảnh đơn kém, ảnh bộ chưa mạnh

Dù rất cố gắng đãi cát tìm vàng nhưng Hội đồng sơ khảo vẫn không thể tìm ra một tấm ảnh đơn tốt để đưa lên trình Hội đồng chung khảo.

Số lượng ít đã đành, chất lượng cũng quá tệ. Những bức ảnh thiếu sức căng trong khuôn hình, thiếu sự dồn nén của các chi tiết, thiếu tính biểu trưng và cũng mất luôn cả sự sống động của những khoảnh khắc quyết định. Có một bức ảnh đơn tôi khá thú vị khi chụp trung cảnh 1 phụ nữ đang khó khăn dắt xe máy giữa một biển nước sau một cơn mưa to ngập nước ở TPHCM nhưng tiếc là các thành viên còn lại của Hội đồng sơ khảo lại không chọn ảnh này. Một tấm ảnh đơn khác khá đẹp chau chuốt về bố cục, ánh sáng và “set up” nhân vật thể hiện nét đẹp văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thế nhưng nó chỉ mang tính du lịch, đèm đẹp mà không phải là ảnh báo chí.

Chủ đề Trường Sa được thể hiện trong nhiều bộ ảnh nhưng không có những phát hiện, khám phá mới mẻ. Vẫn là phong cảnh các đảo chính ở Trường Sa, cảnh những người lính trẻ sinh hoạt, lao động bên ngoài mà thiếu những góc nhìn sâu khám phá cuộc sống tinh thần bên trong của họ. Cuối cùng thì bộ ảnh chụp bầu cử sớm ở Trường Sa của phóng viên báo Thời nay được chọn vì tính thời sự cao và góc chụp đa dạng hơn một bộ ảnh khác của phóng viên TTXVN.

Vẫn tồn tại một số bộ ảnh chụp đẹp, nuột kiểu postcard (bưu thiếp) chỉ hợp để quảng bá du lịch, từ tên ảnh, chú thích đều không có thông tin báo chí. Cố bộ ảnh chụp với tay nghề cao, cầu kỳ ánh sáng nhưng lại không ăn nhập với chủ đề.

Kết cấu một bộ ảnh cũng là câu chuyện cần bàn. Sự dài dòng, lê thê và vài tấm ảnh na ná lặp lại nhau vẫn cứ xuất hiện trong bộ ảnh. Nguyên tắc “ít hơn nhiều” luôn luôn đúng, vì chính một tấm ảnh yếu xuất hiện trong bộ ảnh sẽ đánh tụt cảm xúc của người xem xuống.

Một câu chuyện có một số ảnh tốt tự nhiên một tấm ảnh chụp lưu niệm dàn hàng ngang xuất hiện, thật khó hiểu cho ý đồ của tác giả và chỉ khiến giám khảo thở dài.

Có những bộ ảnh đáng ra tác giả chỉ nên gửi ảnh đơn sẽ thắng giải cao hơn như chùm ảnh “Giải cứu cá voi”. Thông tin trong mấy ảnh đều như nhau, chỉ một ảnh tốt nhất còn lại vài ảnh khác không tăng thêm tính thông tin hay mỹ cảm cho chùm ảnh.

Sự lắp ghép rời rạc từ những ảnh chụp ở chỗ này chỗ kia một chút, ở địa phương này, địa phương khác rồi cộng lại theo kiểu cơ học thuần túy không bao giờ có thể lọt vào mắt xanh của giám khảo.
Điểm đáng mừng là so với mọi năm, chất lượng ảnh chụp của các phóng viên ảnh các báo địa phương ngày càng tốt hơn, không thua kém báo trung ương và các thành phố lớn. Chưa kể tính phát hiện và sự dày công trong khi tác nghiệp được chú trọng hơn, cũng có thể vì nhiều nhà báo trung ương đã “no nê” với danh hiệu và không còn khát khao như nhà báo địa phương…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn