MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “Bao giờ có yêu nhau” dù PR rầm rộ nhưng không ăn khách. Ảnh: TL

Giải trí Việt 2016 - Kỳ 1: Chưa có phim Việt làm “cháy” vé!

VIỆT VĂN LDO | 27/12/2016 13:41
Mùa phim cuối năm ra rạp gần kết thúc, nhưng chưa có “hiện tượng” đột phá nào gây “sốt” phòng vé như “Em là bà nội của anh” năm ngoái. Một năm điện ảnh Việt có vẻ bình lặng dù số đầu phim ra rạp lên đến hơn 40 phim.

Mùa phim cuối năm 2016 với hàng loạt phim ra mắt, riêng tháng 12 có gần 10 phim: “Sứ mệnh trái tim”, “Sút”, “Fan cuồng”, “Vệ sĩ, tiểu thơ và thằng khờ”, “Cho em gần anh thêm chút nữa”, “Đời cho ta bao lần đôi mươi”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Vệ sĩ Sài Gòn”, “Ba vợ cưới vợ ba”… nhưng đều bình lặng đi qua, chưa có một phim nào gây “sốt” như ở mùa phim cuối năm 2015 với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”…

Số lượng không đi kèm với doanh thu

Kết thúc năm 2015, điện ảnh Việt ngoạn mục với các kỷ lục phòng vé, cứ ngỡ theo đà này năm 2016 sẽ thừa thắng xông lên với hơn 50 dự án phim lần lượt nối đuôi nhau ra rạp, trung bình từ 3-5 phim/tháng. Nhưng thực tế khá phũ phàng, thậm chí có nhiều phim quá kém, như phim video “mì ăn liền” của thập niên 1990.

Mở đầu cho mùa phim 2016 là “Điệp vụ chân dài” và “Cuộc đời của Yến”, ra rạp từ ngày 8.1, nhưng cả hai phim theo hai dòng thị trường và nghệ thuật đều không ăn khách. Sau đó là mùa phim Tết Nguyên đán với 5 phim: “Tía tui là cao thủ”, “Siêu trộm”, “Yêu là phải xài chiêu”, “Lộc Phát”, “Gái già lắm chiêu”. Chỉ có phim “Siêu trộm” của Hàm Trần, làm như phim Mỹ cả về nội dung và chất lượng kỹ thuật, nhưng cũng không đủ khả năng lôi kéo sự chú ý của khán giả, còn các phim kia với thể loại hài truyền thống không có gì mới nên không tạo ra nhiệt để hâm nóng phòng vé.

Hai phim tạo “sóng” ngay từ lúc mới bắt đầu là “Vòng eo 56” và “Taxi, em tên gì?” gần như “mất tích” trong phòng vé. Sau mùa phim tết là một loạt phim hài và tình cảm tâm lý khác “xếp hàng” ra rạp: “Mặt nạ máu”, “Tình xuyên biên giới”, “Valentine”, “Vợ ơi, em ở đâu?”, “Ma dai”, “Liên minh huyền thoại”… Nhưng gần như các phim đều “trôi” qua rạp, dù có phim doanh thu tương đối do “ăn theo” phần 1 như “Lật mặt 2: Phim trường”.

Đến mùa phim hè-thu, có những phim bom tấn Việt được đầu tư hàng triệu USD như: “Truy sát”, “Fan cuồng”, “Bao giờ có yêu nhau”. Dù có nhiều chiến dịch PR với các show quảng bá phim xuyên Bắc-Nam nhưng đều không gây được kết quả như mong đợi. Ồn ào nhất là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” - một bom tấn tưởng chừng cứu được mùa phim, nhưng ngoài chuyện “nóng” trên truyền thông bởi cuộc chiến rạp chiếu, thì “Tấm Cám” cũng không thể tạo nên những kỷ lục doanh thu. Các phim tiếp theo “Cô hầu gái”, “Nắng”, “Sài Gòn, anh yêu em”, “Bí ẩn song sinh”… cũng chỉ “chạy” qua rạp...

Đặc biệt, năm 2016 có 4 dự án phim điện ảnh của Nhà nước đặt hàng là: “Xã tắc” - đề tài lịch sử, cổ trang; “Địa đạo” - đề tài chiến tranh cách mạng; “Người yêu ơi” - đề tài đồng bào dân tộc thiểu số; “Không ai bị lãng quên” - đề tài các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô. Nhưng cho tới giờ này, vẫn chưa biết đặt hàng ai và không biết có hãng tư nhân nào được chọn mặt gửi vàng để có thể tạo nên một kỳ tích tiếp theo như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hay lại rơi vào một hãng phim nhà nước để rồi phim lại thành một sản phẩm “lưu kho” như thường lệ từ trước tới giờ?

Kỷ lục để làm gì?

Số phim sản xuất trong năm 2016 và ra rạp có thể nói là kỷ lục của mấy chục năm nay. Theo thống kê mới nhất của Cục Điện ảnh, hiện cả nước đã có 500 phòng chiếu phim với 53.000 chỗ ngồi, 384 đơn vị đủ điều kiện hành nghề sản xuất phim được cấp phép, cho thấy hoạt động sản xuất và phát hành phim Việt ngày càng sôi động. Về rạp chiếu, số lượng sẽ còn tăng hằng năm, vì các nhà phát hành phim lớn trong nước như: CGV, BHD, Lotte Cinema và Galaxy vẫn không ngừng đầu tư xây mới nhiều cụm rạp trong các trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Vì thế năm 2017, dự kiến số phim ra rạp còn tăng lên ...

Nhưng nếu không có sự đột phá về chất lượng thì điệp khúc buồn của doanh thu sẽ lặp lại. Nhìn vào phim Việt năm 2016, thấy rõ nhiều phim không để lại dấu ấn nào từ nghệ thuật đến doanh thu. Thêm nữa, đang manh nha một trào lưu hay xu hướng remake (làm lại) phim nước ngoài như: “Bạn gái tôi là sếp” làm lại phim của Thái Lan, “Sắc đẹp ngàn cân” remake phim Hàn... Trước đó là “Sứ mệnh trái tim” - “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc, hay từ năm 2015 với “Em là bà nội của anh” cũng remake phim của Hàn Quốc. Chưa hết, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết năm 2017, anh sẽ đảm nhận đạo diễn một bộ phim remake của Hàn, do tập đoàn CJ sản xuất. Không biết đây có phải là tín hiệu “lành” với phim điện ảnh Việt, nhưng chắc chắn nó là một sự báo động thiếu hụt kịch bản phim và lực lượng biên kịch.

Thị hiếu khán giả không còn như xưa, vì có nhiều sự lựa chọn, nên dù yêu và ủng hộ phim Việt thì họ vẫn khá khắt khe khi bỏ tiền mua vé xem phim. Vì thế, càng ngày sự đào thải của thị trường càng nghiệt ngã hơn: Chỉ có người giỏi nhiều phương diện, biết “đứng trên vai những người khổng lồ” mới tồn tại...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn