MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trả lời về việc lắp thêm lam sắt mặt tiền tòa nhà

Mai Hương LDO | 04/04/2023 14:36

Trong quá trình nâng cấp và cải tạo trụ sở HĐND TP.Đà Nẵng để làm bảo tàng (nguyên là Tòa thị chính Đà Nẵng), nhiều người dân thắc mắc về việc hoán đổi công năng của tòa nhà.

Tòa Đốc lý hay còn gọi là Tòa thị chính Đà Nẵng (nằm ở số 42 Bạch Đằng) có tuổi đời trên 120 năm tuổi và được xây dựng dưới thời Pháp thuộc.

Tháng 5.2020, TP  Đà Nẵng đã quyết định cải tạo tòa nhà này với tổng mức đầu tư 504,9 tỉ đồng nhằm mục đích làm bảo tàng để trưng bày hiện vật của bảo tàng hiện nay (đang đặt tại vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải). 

Theo quy hoạch, tòa nhà lịch sử hiện tại với tổng diện tích hơn 3.500m2 được cải tạo thành bảo tàng. Trong đó, khối nhà lịch sử 3 tầng tại 42 Bạch Đằng chuyển đổi thành không gian trưng bày và các không gian công cộng; cải tạo khối nhà hội trường thành phòng họp, hội thảo theo hướng giữ cơ bản kiến trúc hiện tại; đồng thời, xây dựng tòa nhà mới với quy mô 3 tầng nhưng bảo đảm hài hòa với kiến trúc tòa nhà 42 Bạch Đằng.

Sau 3 năm cải tạo và nâng cấp, Bảo tàng Đà Nẵng đã dần nên hình hài. Nơi đây cũng đã trở thành điểm check - in, chụp hình thu hút nhiều người dân và du khách ghé chân đến.

Sau 3 năm cải tạo và nâng cấp, Bảo tàng Đà Nẵng đã sắp hoàn thiện. Ảnh: Văn Trực

Tuy nhiên, trong quá trình nâng cấp và cải tạo, nhiều người dân thắc mắc về việc hoán đổi công năng của tòa nhà. Trong đó, những dãy hoa sắt, lam gió với hoa văn đẹp mắt sau khi nâng cấp đã được thay bằng những lam sắt mới có phần không phù hợp với mặt tiền tòa nhà hơi hướng cổ điển.

Không ít người băn khoăn những lam sắt đó đã đi về đâu và tại sao lại thay lam sắt mới có vẻ không phù hợp với tòa nhà cổ kính.

Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, đơn vị tư vấn cải tạo tòa nhà là một kiến trúc sư người Pháp. Vị kiến trúc sư này đã nghiên cứu rất kĩ về kiến trúc lịch sử của Tòa thị chính Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ông đã đưa ra giải pháp bảo tồn nguyên bản của tòa nhà trước đây từ màu sơn bên ngoài.

Ông Thiện cho biết thêm, vị kiến trúc sư người Pháp đã đưa ra 3 màu sơn cho tòa nhà. Tuy nhiên, ông còn bay từ Pháp về Đà Nẵng để thực tế và kiểm tra xem có đúng màu sơn ông đã chọn không. Mọi công đoạn trong quá trình nâng cấp và cải tạo đều được đảm bảo giữ nguyên kiến trúc cổ kính của tòa nhà.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, đây từng là Tòa thị chính Đà Nẵng - tòa nhà quan trọng của thành phố. Vì vậy, việc lắp lam sắt sẽ bảo vệ an ninh tòa nhà, chống trộm cắp, chống xâm nhập của người bên ngoài vào. 

"Những cái lam sắt này để đảm bảo yếu tố an ninh của tòa nhà, chống kẻ gian xâm nhập an ninh tòa nhà, bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ sơ hành chính ở tòa nhà.

Thay vì lắp lam sắt như trước đây ở mặt tiền tòa nhà thì ở bên trong đơn vị thay lam sắt bằng hệ khung cửa để đảm bảo ánh sáng, đảm bảo không khí, lấy gió từ bên ngoài vào nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan, đảm bảo kiến trúc cổ của tòa nhà" - ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện khẳng định: "Những lam sắt mặt tiền tại tòa nhà là hoàn toàn hợp lý. Bởi đó là những lam sắt bảo vệ độ an toàn của tòa nhà".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn