MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gian nan dọn “sách rác”

Đặng Chung LDO | 21/11/2016 14:00
Chỉ trong quý III/2016, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 53 xuất bản phẩm vi phạm cả về nội dung, câu chữ. Ngoài ra, nhiều cuốn sách sai phạm đã bị độc giả phát hiện, báo chí thông tin, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày càng nhiều “thảm họa sách”

Trong hội thảo bàn về công tác biên tập xuất bản vào cuối tuần qua tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Chu Văn Hoà đã thừa nhận rằng, đội ngũ “gác cửa” tại các nhà xuất bản (NXB) đang có “vấn đề”. Và “rác” là từ được ông dùng để chỉ những cuốn sách sai phạm. Ông Hòa cũng cho biết, trước khi đến hội thảo, ông đã ký công văn xử lý 4 cuốn sách vi phạm. Điều ông thấy kỳ lạ hơn cả là 4 cuốn sách này đều do một biên tập viên đứng tên, chứng tỏ người đó đã “ngồi nhầm chỗ”, hoặc không đọc gì cả, không đủ năng lực để làm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần rất tâm huyết của tác giả. Việc phải tiếp nhận một cuốn “sách rác” là điều không ai muốn và ông Hòa khẩn thiết kêu gọi, nhắc nhở các biên tập viên của các cơ quan xuất bản đừng “đổ rác lên cơ quan quản lý, đổ rác lên bạn đọc nữa”.

Thời gian qua bạn đọc đã phát hiện ra nhiều cuốn sách có sai phạm cả về nội dung và câu chữ.

Theo số liệu mà bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Cục Xuất bản, in và phát hành cung cấp thì lượng sách sai phạm bị Cục xử lý tăng dần theo mỗi năm. 2012 là 51 xuất bản phẩm, năm 2013 đã lên tới 124, năm 2015 là 128 và trong 9 tháng 2016 là 87 xuất bản phẩm. Nhưng đó chỉ là những cuốn sách có sai phạm về nội dung, bị yêu cầu đình bản để thẩm định, sửa chữa, còn vô số những cuốn khác sai phạm về câu chữ, chính tả và không ít trong số đó đã “lọt” ra thị trường. Lâu lâu, độc giả, báo chí lại phát hiện ra những sách vi phạm, khiến dư luận bức xúc, cơ quan quản lý phải vào cuộc.

Đơn cử, 2 năm qua hàng chục sai phạm trong các xuất bản phẩm đã khiến nhiều người “giật mình”, bị coi là những “thảm họa sách”. Cuốn “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” với những kiến thức sai lệch về việc dạy trẻ đi trên mảnh thủy tinh để thể hiện sự dũng cảm từng gây xôn xao dư luận. Cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” (NXB Văn hóa Thông tin) có các chi tiết nhạy cảm không phù hợp với đối tượng thiếu nhi. “Mười vạn câu hỏi vì sao” do NXB Hồng Đức phát hành có chi tiết nói rằng “lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới”. Cuốn Bộ luật Dân sự (NXB Lao động - Xã hội) in ảnh chế diễn viên Công Lý cởi trần mặc quần đùi lên bìa sách. Sách sai phạm ở đủ các mảng, từ sách khoa học đến sách cho thiếu nhi, sách văn học, sách giáo dục, kể cả những cuốn từ điển - vốn được coi là chuẩn mực của việc dùng chữ nghĩa

Khó cũng phải làm!

Đó là trăn trở của ông Chu Văn Hoà với tư cách là người làm công tác quản lý trong ngành xuất bản. Lâu nay đội ngũ biên tập sách chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của biên tập viên trong quy trình đưa một cuốn sách đến tay bạn đọc. Với việc lần đầu tiên tổ chức hội thảo về công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới, cùng sự tham gia của báo chí, ông Hòa mong muốn sẽ “đánh” dần vào tâm lý và đạo đức của những người làm sách, để họ nâng cao trách nhiệm và ý thức của mình.

Cuốn Bộ luật Dân sự (NXB Lao động - Xã hội) in ảnh chế diễn viên Công Lý lên bìa sách.

“Với tư cách là độc giả, bản thân tôi đã từng rất ức chế khi vừa đọc trang đầu tiên của một cuốn sách đã thấy 5 - 6 lỗi sai chính tả. Nên tôi hiểu việc bạn đọc, báo chí bức xúc là đương nhiên. Rất nhiều biên tập viên và cả đến lãnh đạo đều có quan niệm rằng, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng thì mới đáng lo ngại, còn những kém cỏi vụng về câu chữ đều có thể biện minh do lỗi đánh máy. Đó là lối tư duy sai lầm. Tôi nghĩ ngoài việc tuyên dương những cơ quan xuất bản, biên tập viên làm tốt công tác biên tập, thì việc phê phán những người làm tắc trách là điều cần thiết” - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Chu Văn Hòa chia sẻ.

“Chặn sách rác - khó đấy, nhưng không phải không có cách. Tôi biết đang có hiện tượng biên tập viên bị lấy tên để đề vào các sách liên kết. Ai lấy tên của họ ghi vào xuất bản phẩm của đối tác liên kết mà không cho họ biết, không qua họ biên tập, thì họ đang bị lợi dụng. Họ có bức xúc nhưng chưa dám lên tiếng. Việc cấp thẻ hành nghề biên tập là cách để nâng cao trách nhiệm làm nghề, một hình thức kiểm soát. Sắp tới, khi các cơ quan quản lý làm nghiêm, nếu tên tuổi của họ bị lợi dụng trên những cuốn sách vi phạm, cơ quan quản lý thu thẻ, thì buộc họ phải lên tiếng” - ông Hòa nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều sách sai phạm trên thị trường là do nhiều NXB có vài biên tập viên và phân công nhau “canh cửa” tất cả các mảng sách. Họ bị quá tải khi phải nhận đọc, biên tập quá nhiều đầu sách thuộc các mảng khác nhau. Ngoài ra, ông Tùng cũng cho rằng, hiện nay nhiều biên tập viên đang mắc “bệnh văn phòng”, lười cập nhật thông tin, kiến thức. Ông Tùng kiến nghị cơ quan xuất bản cần chú trọng mở các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các biên tập viên.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc NXB Trẻ - thì Cục Xuất bản nên thường xuyên gửi cho các NXB lỗi ở những cuốn sách để các biên tập viên rút kinh nghiệm. Ông Nam cũng đề xuất các biên tập viên phải xem việc biên tập một cuốn sách như việc quản lý một dự án và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm, với đạo đức nghề nghiệp của mình, có như vậy mới “chặn” được “sách rác”.

Một thực tế lâu nay là những sách sai phạm phần lớn rơi vào lượng sách liên kết, không ít NXB bán giấy phép cho các công ty tư nhân, nhà sách và phó mặc cho họ, chính vì vậy để “chặn” được “sách rác” không phải là việc dễ dàng có thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn