MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện có 7 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Văn Trực

Gìn giữ cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Mai Hương LDO | 08/03/2023 08:24

Đà Nẵng - Cùng với hệ thống ma nhai, các cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tạo nên nét cuốn hút riêng đối với du khách.

Không chỉ thu hút du khách bởi hệ thống chùa chiền, hang động độc đáo, di tích cấp quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn (thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) còn sở hữu quần thể 7 cây di sản có tuổi đời từ hơn 200 đến hơn 610 năm.

Quần thể này được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào ngày 7.1.2017.

Quần thể 7 cây di sản gồm có: Cây đa sộp (đa lá đỏ) ở sườn đông ngọn Thủy Sơn (sau lưng chùa Linh Ứng), 2 cây bàng âm dương trước cổng chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn, cây thị sau lưng chùa Tam Thai và cụm 3 cây bồ kết ở động Tàng Chơn thuộc khu vực phía nam ngọn Thủy Sơn. 

2 cây bàng âm dương trước cổng chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn với hình dáng to lớn, thân cây bàng xù xì vết thời gian.

 2 cây bàng nằm trước cổng chùa Tam Thai. Ảnh: Văn Trực

Theo các sư thầy, đối chiếu những sự kiện lịch sử tại Ngũ Hành Sơn thì có thể 2 cây bàng này được trồng vào thời vua Minh Mạng, khi ông cho trùng tu và phong Quốc tự Tam Thai (năm 1825).

Trong quần thể cây di sản trên núi Ngũ Hành, phía sau chùa Tam Thai là cây thị có niên đại 205 tuổi.

Cây thị có niên đại 205 tuổi. Ảnh: Văn Trực

Cây đa sộp (đa lá đỏ) ở sườn đông ngọn Thủy Sơn (sau lưng chùa Linh Ứng) có niên đại khoảng hơn 600 năm.

Cây đa này nằm trên một hòn non bộ khổng lồ, gốc và hệ thống rễ bao phủ, có chiều cao khoảng từ 27 đến 30 m và có niên đại khoảng 250 đến 300 năm. Thế cây bao trùm, che chở cho toàn bộ ngôi cổ tự.

Cây đa sộp ở sườn đông ngọn Thủy Sơn. Ảnh: Văn Trực

Còn sau lưng chùa Linh Ứng, bên lối dẫn vào động Tàng Chơn là 3 cây bồ kết có tuổi đời hơn 210 năm. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 2 cây sống, thế tựa vào nhau, 1 cây đứng riêng đã bị chết vì sâu mục, buộc Ban Quản lý khu danh thắng Ngũ Hành Sơn phải cưa bỏ để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan động Tàng Chơn. 

2 cây bồ kết sống, thế tựa vào nhau trong động Tàng Chơn. Ảnh: Văn Trực 

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, hệ thống thực vật tại Ngũ Hành Sơn so với những địa phương khác mang đặc thù. Bởi địa hình của danh thắng Ngũ Hành Sơn là núi đá. Vì thế, hệ thống cây di sản có số lượng không nhiều.

Tuy nhiên khi hệ thống gồm 7 cây tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản, điều này đã chứng tỏ tính trường tồn, sức sống bền bỉ của hệ thống thực vật này.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, hiện nay, trong hệ thống 7 cây di sản, chỉ còn khoảng 4 cây đang phát triển tốt vì điều kiện địa lý hợp lý. Các cây còn lại nằm trên vách đá, có tầm che khuất nên tính phát triển, độ trường tồn gặp những khó khăn nhất định.

"Bảo vệ cây di sản không phải là việc dễ dàng. Công việc này mang tính chất rủi ro cao bởi các cây cổ sẽ bị ảnh hưởng theo năm tháng, thời tiết. Đặc biệt, địa hình núi đá càng phức tạp.

Vì thế, Ban Quản lý khu danh thắng Ngũ Hành Sơn phải nâng cao trách nhiệm, xác định quần thể cây di sản là báu vật, là lịch sử của danh thắng, cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt" - Nguyễn Văn Hiền cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn