MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người làm trà sen tại quận Tây Hồ là muốn giữ nét tinh hoa của trà sen Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lộc

Giữ nét tinh hoa nghề làm trà sen Tây Hồ

HOÀNG LỘC LDO | 12/07/2024 21:14

Với những người làm trà sen quận Tây Hồ, việc lưu giữ nghề truyền thống không hẳn vì cuộc mưu sinh mà họ muốn lưu giữ một nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội.

Giữ nghề truyền thống, tạo nét tinh hoa trà sen Tây Hồ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm trà sen Tây Hồ, bà Trần Thị Loan ở phường Quảng An, quận Tây Hồ là một trong những nghệ nhân nổi tiếng. Những ngày mùa sen nở, từ sáng sớm, gia đình bà đã tất bật thu hoạch sen và thực hiện các công đoạn chế biến trà. Bởi trà sen chỉ mang hương vị tuyệt vời nhất khi được làm từ những bông hoa vừa hé nở.

Bà Loan cho biết, quy trình làm trà sen có rất nhiều công đoạn từ việc tách cánh, phơi nhụy, tách lấy những hạt gạo…. Việc lấy gạo sen cực kỳ phức tạp, người tách hạt phải là người kiên nhẫn, nhẹ nhàng, khéo léo, đặc biệt không được ngồi quạt gió, điều hòa để đảm bảo cho gạo sen không bị vỡ nát, làm giảm hương thơm vốn có.

Người làm trà sen cẩn thận chọn từng hạt gạo từ gương sen, ướp thơm cho trà. Ảnh: Hoàng Lộc

Cũng theo bà Loan, để làm 1kg trà sen thành phẩm, cần tới 1.200 - 1.500 bông sen tùy to hay nhỏ. Theo đó, cứ lần lượt một lượt “gạo” lại ướp cùng một lượt chè, sau đó mang đi sấy khô, công đoạn này lặp đi lặp lại tới 7 - 8 lần để hương sen ngấm vào vị trà mới cho ra được thức uống hảo hạng.

"Trà sen của gia đình được sấy theo cách truyền thống qua nhiều đời bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Cái nghề này đẹp ở cái tâm yêu nghề của người làm chứ không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận kinh tế", bà Loan chia sẻ thêm.

Tương tự, gia đình có truyền thống làm trà qua nhiều thế hệ, bà Lưu Thị Hiền - Chủ cơ sở sản xuất trà sen Hiền Xiêm cho biết, hầu hết nghệ nhân làm trà ướp sen Tây Hồ là không sử dụng các công nghệ hiện đại để làm trà. Thay vào đó, họ vẫn giữ những phương cách, khâu đoạn xử lý trà hoàn toàn thủ công được truyền lại từ thời ông cha.

Theo bà Hiền, chính những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền là cách tạo nên hương vị khác biệt của sen Hồ Tây. "Không phải cứ truyền dạy bí quyết trên một ngày, một buổi hay viết lại trong một hai trang giấy là có thể nói hết về nghề làm trà. Muốn thành công thì trước hết phải tận tâm với nghề và sống với nó như máu thịt", bà Hiền chia sẻ.

Phát triển trà sen gắn với du lịch cộng đồng

Phải đối mặt với nhiều thách thức, nghề ướp trà sen Tây Hồ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn bởi hoa sen Bách Diệp ngày một ít, chi phí cũng ngày càng đắt đỏ.

Ngoài ướp trà sen truyền thống, người làm trà có ướp trà bông sen. Ảnh: Hoàng Lộc

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Gia Hùng - Trưởng Phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, trước thực tế diện tích trồng sen đang bị thu hẹp, Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ triển khai thực hiện đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây với giống sen Bách Diệp với diện tích 7,5 ha.

Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, quận Tây Hồ có trên 200 hộ gia đình sản xuất trà sen truyền thống, có 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao là sen trà Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền. Thời gian tới, quận tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch làng nghề trên địa bàn; đồng thời, giữ gìn, lan tỏa thương hiệu sản phẩm.

"Với rất nhiều lợi thế, quận ưu tiên tạo liên kết phát triển sản phẩm trà sen OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng đẩy mạnh công nghiệp văn hóa phát triển”, ông Hùng cho biết thêm.

Từ ngày 12 - 16.7, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen và các sản phẩm từ sen. Trong đó, sẽ diễn ra lễ công nhận nghề ướp trà sen là Di sản văn hóa phi vật thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn