MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm Đình Làng Việt với tà áo dài nam truyền thống.

Giữ sự uyển chuyển tà áo xưa

MAI CHÂU LDO | 06/12/2017 12:30
Lưu giữ áo dài truyền thống hay theo trào lưu cách tân lại một lần nữa trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử trang phục, các nhà sử học, nhà thiết kế áo dài tại buổi tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại” do Cty CP Tập đoàn FLC tổ chức mới đây.

Truyền thống hay “phá cách”?

Xu hướng phát triển cách tân áo dài ngày nay đã và đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, có sự ủng hộ nhưng kèm theo đó là những phản bác không ít. Tuy nhiên, đông đảo ý kiến vẫn cho rằng dù cách tân “mới hay lạ” đến đâu cũng luôn cần một phương thức dung hòa chung để bảo tồn nét đẹp mang tính biểu tượng văn hóa của áo dài.

Theo nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục Việt là ông Trịnh Bách, người luôn một lòng hướng về những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam và trực tiếp sưu tầm, phục dựng những di sản văn hóa quý giá gồm “trang phục Cung đình Huế”, “Vật dụng cung đình Huế”… thì cần có cách nhìn nhận thẳng thắn: Từng có rất nhiều người nghĩ áo dài Việt Nam bắt chước xường xám của Trung Quốc nhưng thực chất ngược lại.

Năm 1920, bà Tống Mỹ Linh - Đệ nhất phu nhân Tổng thống Trung hoa Dân quốc - Tưởng Giới Thạch đã dựa theo tà áo dài Việt Nam để thiết kế nên váy xường xám. Ông Trịnh Bách cho rằng, việc từ đâu và lúc nào áo dài trở thành biểu tượng của trang phục Việt là khá mơ hồ. Vào cuối thời Nguyễn, được cho là thời điểm “đỉnh cao” khi áo dài khá phổ biến khi được cả nam lẫn nữ lựa chọn mặc không chỉ trong mỗi dịp lễ quan trọng mà còn trong các hoạt động ngày thường.

Ở dưới góc độ khác, nhà văn Trương Quý cho biết thêm, sở dĩ tà áo dài trở thành trang phục đặc trưng của Việt Nam trước hết phải nói đến vai trò, tâm hồn của người Việt bởi hơn ai hết chính chúng ta hiểu rõ nhất giữa ưu và nhược điểm của cơ thể mình, vì thế tà áo dài đã hoàn toàn khắc phục được mọi yếu tố trên.

Trước xu hướng giới trẻ đang ngày càng ưa chuộng chiếc áo dài cách tân, vạt ngắn trên đầu gối hoặc mặc cùng váy đụp xòe từng nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt gần đây, ông Trịnh Bách nhấn mạnh, cách tân thế nào cũng chấp nhận được nhưng điều quan trọng nhất đừng làm mất đi nét tinh thần truyền thống vốn có, mà cần phải giữ nhân dáng, sự uyển chuyển của tà áo dài Việt Nam xưa.

Ngán ngẩm cách tân áo dài nam

Một trong những đề mục chính được quan tâm tại tọa đàm chính là tà áo dài của nam giới. Câu hỏi đặt ra rằng, liệu chăng có sự phát triển song hành nào giữa áo dài nam với áo dài nữ hay không?

Ông Nguyễn Đức Bình - họa sĩ, sáng lập viên Nhóm Đình Làng Việt kiêm nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ - đang phát động phong trào áo dài nam trở lại vào các dịp lễ Tết - chia sẻ quan điểm: Chiếc áo dài của đàn ông không có được “số phận” như chiếc áo dài nữ. Áo dài nữ đã trải qua nhiều thế kỷ, dù cổ điển hay cách tân vẫn tìm được chỗ đứng nhất định cho riêng mình. Còn đối với áo dài nam lại “trầm lắng” hơn khi nửa thế kỷ qua chưa được đón nhận đúng mức và dường như đã bị quên lãng trước dòng chảy của xã hội hiện đại.

“Là một nhà nghiên cứu, tôi rất buồn khi áo dài nam chưa được nhìn nhận như một di sản. Thậm chí, nó lại được coi là một biểu tượng của chế độ phong kiến…” - ông Bình nhấn mạnh.

Xu hướng áo dài nam ngày nay đang khiến nhiều người ngán ngẩm bởi quá khác xa với truyền thống. Thay vì tà áo dài suông lịch lãm thì giờ đây, áo dài nam lại chiết eo bó sát nhằm mục đích khoe đường nét cơ thể của người mặc. Cách tân còn thể hiện ở những họa tiết rồng bay phượng múa lòe loẹt sặc sỡ, điều đó hoàn toàn không nằm trong việc thể hiện bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam.

“Hiện giờ có nhiều người gọi là thợ may áo dài nhưng thật ra hoàn toàn không hiểu về áo dài. Có thể tôi là người hoài cổ, khi luôn ưa thích chiếc áo dài nam thời xưa không chiết eo, suông thẳng đầy nam tính. Còn bây giờ, áo dài cách tân còn có thể mặc sơmi bên trong là không đúng với bản chất. Bộ trang phục truyền thống luôn cần có sự cầu kỳ bởi như thế mới chứa đựng nét tinh hoa của dân tộc ta” - ông Bình bày tỏ.

Nên có cẩm nang về áo dài Việt

Cho tới lúc này, áo dài truyền thống hay áo dài cách tân vẫn là một câu chuyện dài với những vấn đề chưa hồi kết. Vì vậy, nhà văn Trương Quý đã đề xuất xây dựng một cuốn sách về áo dài Việt, như một “cẩm nang” dành cho các nhà thiết kế thời trang hay những người yêu mến tà áo dài có thêm tư liệu tìm hiểu thông tin, hỗ trợ cho công việc nghiên cứu và sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn