MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn hóa truyền thống là nét đặc sắc cần được bảo tồn. Ảnh: Thanh Hải

Giữ văn hoá làng trên mảnh đất miền biên viễn

Thanh Hải LDO | 03/02/2022 07:20

“Có quy hoạch tốt, dân cư sống quần tụ thì sẽ giữ được làng truyền thống. Có được truyền thống tốt đẹp thì người Cơ Tu sẽ giữ được văn hóa. Giữ được văn hóa thì giáo dục con người sẽ thành công.  Đó là tâm huyết, là lý luận mà lãnh đạo huyện Tây Giang - Quảng Nam làm cơ sở để hoạch định, tạo dựng sự bền vững để phát triển mảnh đất miền biên viễn ở trung Trường Sơn.

Làng quê đã dung dưỡng, bảo vệ con người

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cả thế giới, không một quốc gia, dân tộc nào tránh khỏi. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng, gây hại không phải ở nơi nào cũng giống nhau... Và có điều mầu nhiệm xảy ra khu vực miền núi Quảng Nam. 

Khi dịch bệnh COVID-19 tràn qua 3 huyện miền núi cao Nam Trà My, Nam Giang và Phước Sơn, lây nhiễm cho nhiều người, chủ yếu là trẻ em, cả nước xót xa, ái ngại. Bởi những nơi này đã từng chịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ lụt, sạt lở đất, làm trôi nguyên cả làng, chết và mất tích hàng chục người trong năm 2020.

Chính quyền và ngành Y tế lo lắng vì thiên tai, dịch bệnh chồng lên nhau, trong khi hạ tầng xã hội, y tế còn quá thiếu và yếu kém ở khu vực này. Người dân tộc thiểu số bản địa hoang mang, thậm chí có nhiều gia đình toang bỏ trốn vào rừng sâu để... tránh dịch. Bởi chỉ trong 15 ngày (từ 12 đến 25.10.2021), 3 xã Phước Công, Phước Chánh và Phước Lộc của huyện Phước có đến 216 ca COVID-19. Huyện miền núi giáp ranh là Nam Giang cũng có 47 ca... Thế nhưng, trong suốt thời gian tập trung cách ly, theo dõi, hơn 200 ca bệnh này chỉ 6 người có triệu chứng nhẹ là nhức đầu, mỏi mệt. Số còn lại không có bất kỳ biểu hiện gì. Và tất cả đều tự nhiên hết bệnh.

Văn hóa truyền thống là nét đặc sắc cần được bảo tồn. Ảnh: Thanh Hải

Ngay sau đó, ngày 26.10, tại huyện Nam Trà My cũng ghi nhận 132 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Phần lớn cũng là giáo viên, học sinh và thân nhân của các em. Nhưng rồi cùng không có bất kỳ trường hợp nào có triệu chứng hay chuyển bệnh nặng. Tất cả đều bình yên, tự khỏi bệnh sau thời gian cách ly...

Cho đến thời điểm này, chưa có một khảo sát, nghiên cứu nào cụ thể về trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng và tự hết bệnh của cộng đồng những người dân tộc thiểu số ở 3 huyện miền núi cao Quảng Nam nói trên. Tuy vậy, chính quyền và ngành y tế Quảng Nam cho rằng,  chính đời sống thuận thiên, gần gũi với tự nhiên đã giúp những người con của núi rừng này có được sức đề kháng tự nhiên mạnh mẽ, có khả năng tự chống chọi, vượt qua các loại bệnh tật, dịch bệnh...

Và câu chuyện bảo tồn làng

Không phải đến khi dịch bệnh COVID-19 tràn qua mới thấy được điều kỳ diệu, mà trước đó, hơn 90 làng của huyện miền núi Tây Giang đã chứng minh, khi sống thuận thiên, hài hòa với thiên nhiên thì các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được núi rừng chở che, bảo vệ.

Trong khi các trận bão lũ xảy ra khốc liệt xảy ra liên tiếp năm 2019, 2020, 2021, gây sạt lở núi, vùi lấp cả làng, cuốn trôi nhiều hạ tầng giao thông, nhà dân... làm chết hàng chục người miền núi ở Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang... thì hơn 90 ngôi làng của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang - liền kề đó lại bình yên. 

Đó không phải do sự ngẫu nhiên, mầu nhiệm, mà vì trước đó 10 năm, Tây Giang đã sắp xếp lại dân cư. Từ 2009, lãnh đạo huyện miền núi này đã khảo sát, chọn bố trí tập trung dân cư trên những ngọn đồi bát úp. Chính vì xây dựng mặt bằng trên đỉnh một ngọn đồi bát úp mà hơn 10 năm nay, Tây Giang không xảy ra bất cứ trường hợp nào chết người, sập nhà do sạt lở núi, lũ lụt. Làng quần tụ như vậy cũng tiết kiệm đáng kể về ngân sách khi đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, trường học. Đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hoá, tín ngưỡng riêng có của tộc người Cơ Tu.

Văn hóa truyền thống là nét đặc sắc cần được bảo tồn. Ảnh: Thanh Hải

Từ những năm đầu thập niên 2000, khi vừa chia tách huyện, Tây Giang đã tự đặt cho mình 1 slogan “Rừng còn, Tây Giang phát triển. Rừng mất, Tây Giang suy vong”. Bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa làng cũng chính là định hướng trong mọi hoạt động sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội của địa phương này.

Ngày lễ, Tết, người Cơ Tu ở Tây Giang không cấm dân vui say, mà chỉ quy định dân không được đi xe máy. Trước giao thừa, tất cả chìa khóa, xe máy đều phải nộp cho già làng. Chỉ trường hợp cần kíp như đi cấp cứu, chạy công việc chính đáng và không uống rượu thì mới được làng cho đi xe trong mấy ngày Tết. Vì vậy, dẫu có uống say ngất ngưởng, thì thanh niên trai tráng Cơ Tu cũng chỉ ngã bờ, nhào bụi thôi chứ không nguy hiểm đến tính mạng và gây tai nạn cho người khác.

Nghi thức đâm trâu là phong tục không thể thiếu trong các dịp vui, lễ, Tết trong năm, nhưng Tây Giang kế thừa có chọn lọc, vẫn giữ ruyền thống, song chỉ còn lễ hội “ăn trâu”, bỏ hẳn nghi thức đâm trâu đầy máu me, hoang dã.

Người Cơ Tu ở Tây Giang quan niệm rằng, từ khí trời hít thở đến bó rau rừng, cá suối, gạo nương để ăn uống hàng ngày, đến vật dụng mái nhà nương tựa đều là ân huệ của núi rừng. Bao phong tục tập quán, văn hóa lâu đời của người dân cũng xuất phát và gắn bó với rừng. Vì vậy, không chỉ cương quyết bảo vệ rừng, sống hài hòa với thiên nhiên, mà Tây Giang có hẳn một lễ hội “tạ ơn rừng” với quy mô lớn. Bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa làng xã là 2 trụ cột chính để Tây Giang hoạch định mọi hoạt động, phát triển.

Nguyên Bí thư huyện Bh’riu Liếc khẳng định: “Có quy hoạch tốt, dân cư sống quần tụ thì sẽ giữ được làng truyền thống. Có được truyền thốt tốt đẹp thì người Cơ Tu sẽ giữ được văn hóa. Giữ được văn hóa thì giáo dục con người sẽ thành công. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, việc đầu tiên là phải quy hoạch, sắp xếp và xây dựng lại làng truyền thống”. Đó là tâm huyết, là lý luận mà lãnh đạo huyện Tây Giang - Quảng Nam (với hơn 95% dân số là người Cơ Tu), làm cơ sở để tạo dựng. Vì vậy, mảnh đất này phát triển bền vững, mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn