MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: T.L

"Google ứng xử với Trịnh Công Sơn như với các nghệ sĩ trên thế giới"

M.T LDO | 28/02/2019 05:30
Ngày 28.2, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Google tiếng Việt đã đổi Doodle  với hình ảnh của ông như một cách tôn vinh người nghệ sĩ tài hoa.

Cố nhạc sĩ cũng là người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên trang chủ công cụ tìm kiếm phổ biến thế giới.

Trên trang Google search tại Việt Nam hôm nay (28.2), logo quen thuộc của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh Trịnh Công Sơn với đàn guitar.

Bức họa do một nhóm nghệ sĩ sáng tạo độc lập thực hiện. 

Google Doodles là những biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện và nhân vật nổi tiếng thế giới.

Trước sự kiện này, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chia sẻ: "Google đã đưa ra lời đề nghị về việc sử dụng hình ảnh của Trịnh Công Sơn nhân sinh nhật của anh 28.2 và gia đình đã đồng ý.

 Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Với tầm ảnh hưởng của âm nhạc Trịnh Công Sơn trong công chúng Việt Nam và một phần thế giới, thì việc dành một sự tưởng niệm đối với anh Sơn của Google tôi nghĩ là bình thường, như họ đã ứng xử với các nhà văn hóa, nghệ sĩ, nhà khoa học của nhiều quốc gia khác."

Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói thêm: "Tôi không muốn nói nhiều về anh mình, nhưng thực tế cho thấy, Trịnh Công Sơn vượt ra khỏi đời sống âm nhạc, như nhiều ý kiến đánh giá là có một không gian văn hóa Trịnh Công Sơn.

 Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Gia đình chúng tôi cám ơn về điều này, và tôi nghĩ công chúng yêu nhạc Trịnh cũng sẽ rất vui vẻ đón nhận sự kiện Google Doodle Trịnh Công Sơn nhân sinh nhật của anh".

Khi phân tích nhạc Trịnh, bà Trịnh Vĩnh Trinh nhận xét: "Những khúc tình ca của Trịnh Công Sơn sống trong trái tim của nhiều thế hệ, bởi vì những người yêu nhau lấy nhạc Trịnh làm “phúc âm tình yêu”, cho dù đó là “Phúc âm buồn”.

Còn ý kiến về “vẻ đẹp thánh thiện” trong các ca khúc tình yêu của anh Sơn thì vẻ đẹp đó được thể hiện qua nhiều câu chuyện tình yêu của anh. Người yêu đi lấy chồng mà còn lo cho người yêu thế này: “Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em”. Ngay cả bị từ chối thì cũng “ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho”.

 

Tôi không dám đánh giá về âm nhạc Trịnh Công Sơn đến với công chúng thế giới như thế nào, bởi vì việc này dành cho các nhà phê bình lý luận. Nhưng bằng cảm xúc của mình, bằng sự cảm nhận âm nhạc của một nghệ sĩ và là em gái của anh Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ rằng, nhạc Trịnh dễ đi vào lòng người.

Nhiều thế hệ công chúng Việt Nam yêu nhạc Trịnh, thì điều đó chứng minh rằng nhạc Trịnh đã chạm đến cảm xúc của người nghe, chạm đến điều gì đó thật ngọt ngào trong sâu thẳm tâm hồn của con người.

Đối với một người nước ngoài cũng vậy, giai điệu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng gợi lên mỹ cảm âm nhạc tương tự. Chỉ có điều, ngôn ngữ vẫn là một ngăn cách, nhạc cảm thôi chưa đủ, và đó chính là giới hạn nhạc Trịnh ra với thế giới. Tôi nghĩ vậy không biết có đúng không."

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn