MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” có nhiều cảnh quay tại Việt Nam (chụp lại từ trailer phim). Ảnh: VV

Góp ý về Luật Điện ảnh, rất cần “nói có sách mách có chứng”

Việt Văn  LDO | 30/03/2022 06:13

Sáng 29.3, tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây. Nhiều ý kiến thẳng thắn, dân chủ, nhưng cũng có một số ý kiến chưa thực sự thuyết phục vì thiếu những dẫn chứng cụ thể.

Phương án nào khả thi?

Về Điều 13. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội đã trình xin ý kiến Đại biểu Quốc hội  2 phương án. Phương án 1 quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam; phương án 2 quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến bà chọn phương án 1. Theo bà, kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến bản quyền, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, trong sản xuất phim, nên phải giữ bí mật, để tránh bị đánh cắp hay sao chép. Thêm nữa, quá trình làm phim, kịch bản chỉ là cái khung ban đầu, đạo diễn thêm bớt, sáng tạo thêm nên việc thẩm định kịch bản chi tiết không có nhiều ý nghĩa. Chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay Việt Nam là đủ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng tình với ý kiến bà Nga và cho rằng nước ta đang mong muốn thu hút nhà làm phim sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá ra thế giới, trong khi các quy định lại quá chặt chẽ.

Theo ông Lâm, quan trọng nhất là người làm phim, tác phẩm đó không vi phạm vào điều 9, những điều cấm của luật điện ảnh, còn không nhất thiết phải quy định những vấn đề khác...

Giải trình về vấn đề, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh mong muốn có được kịch bản đầy đủ như phương án của cơ quan soạn thảo, vì qua nghiên cứu nền điện ảnh các nước Trung Quốc, Thái Lan đều bắt buộc. Vì nếu không nắm được kịch bản tổng thể, mà chỉ nắm phân khúc ở Việt Nam thì sau này bộ phim ảnh hưởng đến an ninh chính trị, quốc phòng an ninh thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thực tế luôn là câu trả lời

Thực tế là từ trước đến nay, chưa hề có chuyện lộ bí mật kịch bản chi tiết của nhà làm phim nước ngoài muốn sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam. Vì nếu có chắc chắn đã có những vụ kiện theo Luật quốc tế. Ở đây mọi nỗi lo xa đều cần có minh chứng thuyết phục chứ không thể chỉ là nỗi lo cảm tính.

Còn tại sao phải có kịch bản đầy đủ, có phải làm khó dễ các nhà làm phim ngoại quốc không?

Nhìn sang một nước trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, tưởng như rất thông thoáng với các nhà làm phim nước ngoài, nhưng họ vẫn yêu cầu rất chặt chẽ  kịch bản đầu tiên và kịch bản cuối cùng. Cũng như lịch trình quay chi tiết từng ngày một, từng khung giờ với các tòa nhà chính phủ, Công viên Quốc gia, các khu tôn giáo và các địa điểm khác. Danh sách tên của các thành viên đoàn làm phim, vai trò của họ và thông tin chi tiết về hộ chiếu. Danh sách người VIP sẽ được phỏng vấn (nếu có) và thông tin chi tiết về những người phỏng vấn. Danh sách tất cả các thiết bị sẽ được sử dụng trong vụ bắn súng, đặc biệt là hóa chất, vũ khí quân sự và chất nổ...

Còn ở Việt Nam, chúng ta đã từng có những bài học đau đớn, nhỡn tiền khi buông lỏng khâu duyệt kịch bản.

Năm 1989, Phim “Stars and Roses” dịch tiếng Việt là “Yêu tiếng hát Việt Nam” của đạo diễn Huỳnh Thái Lai (Taylor Wong) với các diễn viên: Lưu Đức Hòa, Chung Sở Hồng, Trần Thục Lan, Thành Khuê An. Nội dung kịch bản được duyệt, đoàn làm phim quay nhiều ngày ở TPHCM và một số tỉnh, quay phim xong họ mang về Hồng Kông làm hậu kỳ. Khi quay có những cảnh đồng bào mình tụ tập xem, và có cảnh sát giữ trật tự... Nhưng sau đó, phim về dựng lại là công an Việt Nam đàn áp dân chúng khi họ biểu tình đòi quyền tự do dân chủ...

Hay như kịch bản phim Hollywood “Pink Ville” (Làng Hồng) về vụ thảm sát Sơn Mỹ, họ định sang Việt Nam quay nhưng kịch bản lại có yếu tố không đúng với sự thật lịch sử...

Hay năm 2018-2019 cũng có phim Hollywood vào xin quay phim về cuộc tổng tiến công nổi dậy ở Huế - Tết Mậu Thân 1968 nhưng chúng ta không cho vì kịch bản có một đoạn nói Việt Cộng thảm sát dân Huế, chôn tập thể...

Từ thực tế, việc cung cấp kịch bản đầy đủ của các nhà làm phim ngoại quốc khi muốn sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Chỉ có điều chúng ta không can thiệp vào nội dung kịch bản chỉ cho hay không, cũng như cần đẩy thời gian xét duyệt nhanh hơn.

Thông tin cần kiểm chứng

Hay có đại biểu góp ý về việc Hội đồng duyệt phim bị quá tải do quá nhiều phim dẫn đến không duyệt kịp làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành phim của nhà sản xuất, dẫn đến doanh thu của phim bị sút giảm. Tiếc là đại biểu đó đã không dẫn chứng cụ thể phim nào ra.

Trong khi thực tế, hàng loạt phim Mỹ đặc biệt là “bom tấn” đều phát hành cùng lúc với thị trường Bắc Mỹ, thi thoảng có phim còn phát hành sớm hơn (do chênh lệch múi giờ) tức là khán giả Việt được xem đầu tiên. Với phim Việt cũng chưa có hiện tượng duyệt chậm để làm lỡ nhịp phát hành của phim.

Lại nhớ đến một số đại biểu quốc hội từng phê phán Hội đồng duyệt phim quốc gia là bảo thủ, cứng nhắc và cấm cả phim hay từng đoạt giải quốc tế như phim “Vị”. Nhưng rõ ràng đó là những phát biểu chủ quan theo một số thông tin chưa kiểm chứng. Thời gian gần đây khi phim “Vị” bị chiếu lậu trên mạng, nhiều khán giả được xem và phần đông đều ủng hộ quyết định cấm phim của Cục Điện ảnh.  

Việc góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất cần những ý kiến thẳng thắn, dân chủ nhưng cũng cần đi kèm những dẫn chứng cụ thể, để người nghe “tâm phục khẩu phục”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn