MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong phim “Bẫy ngọt ngào” của Minh Hằng. Ảnh: NSX

Góp ý về phân loại phim: Cần phân định rõ cảnh khoả thân, 18+

Thủy Tiên - Việt Phong LDO | 05/08/2022 19:42

Ngày 5.8, tại Hội nghị "Lấy ý kiến xây dựng quy định phân loại phim", các nhà làm phim và giới chuyên môn có nhiều thắc mắc xung quanh việc kiểm duyệt những yếu tố nhạy cảm, bạo lực, dán nhãn cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc. Ảnh: Thủy Tiên

Chủ trình hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành và Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: "Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim" là 1 trong 5 Thông tư quan trọng.

Đồng thời, hội nghị mong muốn nhận được tối đa ý kiến trao đổi trực tiếp, tập trung thảo luận, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm về 4 nội dung: Phổ biến các mức phân loại phim theo quy định tại điều 32 phân loại phim của Luật Điện ảnh số 05.2022 QH15; Các nội dung cần đánh giá khi phân loại; Thực hiện cảnh báo và mức phân loại phim; Các phụ lục quy định chi tiết các tiêu chí về phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra các bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quy định về kiểm duyệt phim. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM chia sẻ thêm, cần làm rõ về yêu cầu "không có cảnh khỏa thân" với phim dán nhãn P (phổ biến với mọi độ tuổi). “Việc lộ phần trên, phía trước của phụ nữ vốn được xem là khỏa thân, những cảnh mẹ cho con bú - vốn nhân văn, giàu nét đẹp nghệ thuật, thì sao?” - bà Thúy thắc mắc.

Ban điều hành Hội nghị - Hội thảo lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu. Ảnh: Việt Phong

Về tiêu chí để xác định các cảnh khỏa thân, Tiến sĩ Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn: “Trong điều C Khoản 3 có quy định: Mức khỏa thân cũng như các hành vi âu yếm, quan hệ tình dục hoặc miêu tả, mô phỏng hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật, hay chân thực, hay mang tính thô thiển, đồi trụy, tự mãn.

Vậy thì như thế nào là nghệ thuật? Như thế nào là chân thực? Thế nào là được hoặc không được. Điểm này quá trừu tượng và không có chuẩn mực nào để đánh giá. Cùng một cảnh phim đó sinh viên xem thấy bình thường nhưng người lớn tuổi lại lắc đầu. Điều này khó thuyết phục các em sinh viên rằng đâu là chuẩn mực”.

Tiến sĩ Trần Phương Lan, Phó vụ trưởng vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban tuyên giáo Trung ương trình bày: “Yếu tố khỏa thân, tình dục của phim T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) có chi tiết không được có cảnh chứa "hình xăm phản cảm", nhưng không nêu cụ thể xăm ở đâu, diện tích bao nhiêu thì là phản cảm”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV từng bất ngờ khi phim hoạt hình “Shin: Cậu bé bút chì” phát hành tại Việt Nam bị dán nhãn C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi). Ông đề xuất nên có những quy chuẩn cụ thể với những cảnh khỏa thân.

Bế mạc hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, trong quá trình thẩm định, ban soạn thảo sẽ cùng Cục Điện ảnh xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, dễ dàng nhất có thể để các đơn vị tự dán nhãn cho phim, đặc biệt với phim trực tuyến và chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng hậu kiểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn