MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: “Bảo tàng làng” Yên Mỹ - nơi lưu giữ quá khứ, nhắn gửi tương lai

Phạm Đông LDO | 25/04/2021 07:30
Hơn 2 năm nay, Nhà truyền thống xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn văn hóa của nhiều người dân. Đây là "bảo tàng" lưu giữ hơn 300 hiện vật, trong đó có hàng chục hiện vật trên trăm tuổi, toàn bộ do các hộ dân trên địa bàn quyên góp.

Được thành lập tháng 1.2019 với diện tích khoảng 150m2, “bảo tàng làng” phản ánh nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của quê hương Yên Mỹ. Hầu hết các hiện vật đều gắn bó với cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của người dân trong vùng.

Theo bà Trần Thị Huệ (68 tuổi) - người được tín nhiệm giao quản lý bảo tàng nhỏ này từ những ngày đầu thành lập - công việc quét dọn, tiếp nhận hiện vật người dân mang đến hay tiếp các đoàn khách đến tham quan, từ lâu đã trở thành niềm vui tuổi già đối với bà.

Bà Trần Thị Huệ - người được tín nhiệm giao trọng trách quản lý nhà truyền thống. Ảnh: Lan Như

“Tôi cảm thấy vui với những điều mình đang làm. Tiếp xúc và bảo quản ký ức của cả làng hằng ngày khiến tôi nhớ lại nhiều câu chuyện, cũng nhìn thấy cả khoảng trời ký ức tuổi thơ của mình trong đó. Do vậy, dẫu có vất vả đến mấy tôi cũng muốn bám bảo tàng, góp chút sức phục vụ cho làng, cho xã” - bà Huệ nói.

Cũng theo bà Huệ, ý tưởng thành lập Nhà truyền thống có từ chục năm trước. Người đóng vai trò quan trọng khi đó là ông Nguyễn Viết Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ. Đến nay, ông Hùng đã chuyển công tác nhưng vẫn tích cực tham gia vận động bà con quyên góp cho bảo tàng.

Kỷ vật quân ngũ của những người con quê hương Yên Mỹ. Ảnh: Lan Như

Chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà truyền thống đã thu nhận về trên 300 hiện vật. Trong đó có hàng chục hiện vật trên 100 tuổi, toàn bộ do các hộ dân trên địa bàn xã quyên góp.

Đấu đong lương thực được sử dụng từ thế kỷ XIX. Ảnh: Lan Như
Dụng cụ bắt cá gắn liền với tuổi thơ của người dân làng Yên Mỹ. Ảnh: Lan Như

Theo bà Huệ, trong ký ức của người dân Yên Mỹ, mỗi hiện vật lại gắn liền với một câu chuyện cụ thể. Trước làn sóng đô thị hóa nhanh chóng, “bảo tàng làng” không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, mà còn là nơi để nghiên cứu, học tập và lưu giữ cảm xúc của du khách.

Bà Huệ bên chiếc cối xay ngô. Ảnh: Lan Như

Nhiều kỷ vật chiến tranh được người dân mang tặng lại giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc; sự gian lao, mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy lạc quan của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Dừng lại bên một chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Huệ cho biết đây là chiếc xe đạp “Hữu Nghị” được nhà nước bán phân phối cho ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ năm 1957 – 1960. Trong thời chiến tranh, chiếc xe đạp này được dùng làm xe thồ tải gạo vào chiến trường.

Chiếc xe đạp Hữu Nghị của ông Nguyễn Văn Năm (Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ thời kỳ 1957 – 1960). Ảnh: Lan Như
Không chỉ hiện vật 100 tuổi, nhiều hiện vật mới mẻ, hiện đại vẫn được xã tiếp nhận. Ảnh: Lan Như
Bát, đĩa thời bao cấp cũng được trưng bày tại "bảo tàng làng". Ảnh: Lan Như
Các hiện vật được trưng bày đa dạng tại bảo tàng. Ảnh: Lan Như

Nói về thành quả này, ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, cho hay: “Là người con của miền quê giàu nét đẹp văn hóa truyền thống, với bản thân tôi những kỷ vật này đều in đậm dấu ấn về một làng quê Bắc Bộ trong tiềm thức. Sau khi nhà truyền thống hoàn thiện và đi vào hoạt động, thấy người dân ủng hộ nồng nhiệt nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Cũng theo ông Khánh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi, sưu tập thêm để bảo tàng được phong phú. Đồng thời, đơn vị cũng mong muốn biến nơi này thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của địa phương. Tất cả việc này nhằm để thế hệ trẻ tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của cha ông đi trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn