MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẻ đẹp Hồ Gươm Hà Nội. Ảnh: Sơn Tùng

Hà Nội trong thơ, nhạc, họa

Nguyễn Đào Bích LDO | 25/02/2019 13:43
Vẻ đẹp của Hà Nội là vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến hòa quyện giữa thơ - nhạc - họa.

Với vẻ đẹp thanh bình, Hà Nội trở thành nguồn cảm hứng của những tác giả đại thụ về âm nhạc, thơ ca và hội họa.

Phố trong tranh

Phố cổ Hà Nội không chỉ là điểm đến du lịch của hàng vạn khách du lịch quốc tế mỗi năm đến với Việt Nam mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca nghệ thuật.

Ở lĩnh vực hội họa, họa sĩ Bùi Xuân Phái nổi tiếng với dòng tranh về phố cổ Hà Nội. Những bức tranh về phố của ông độc đáo đến mức người ta gọi riêng đó là tranh phố Phái.

 Tranh về phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh: BTP

Tranh phố Phái đã tái hiện vẻ đẹp xưa của những ngôi nhà cổ kính, với mái ngói thâm nâu, xô lệch, xếp hàng nối liền nhau. "Phố Phái" đã trở thành một “trường phái” hội họa về Hà Nội. Để biết phố cổ Hà Nội xưa như thế nào, ngoài những trang sách, có lẽ tranh "phố Phái" là nơi lưu giữ rõ nét nhất điều đó.

Phố trong nhạc

“Nơi tôi sinh, Hà Nội. Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than….”. Đó là những ca từ trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh. Nỗi nhớ Hà Nội đã được ông bắt đầu từ “ngõ nhỏ, phố nhỏ”. Đó cũng là nét đặc trưng của phố phường Hà Nội. Điều tuyệt vời hơn là những con phố nhỏ ấy luôn mở ra những cảm hứng lớn về âm nhạc, thơ ca, hội họa.

“Phố nhỏ” vì thế xuất hiện trong rất nhiều bài hát của nhiều nhạc sĩ.

 Phố Hà Nội mùa thay lá. Ảnh: Sơn Tùng

“Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa. Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn..”, những câu hát trong bài ca “Phố nghèo” của nhạc sĩ Trần Tiến. Với ông, phố không chỉ là phố, mà còn là ký ức, là kỷ niệm, là nỗi nhớ. Vì thế những con phố trong âm nhạc của ông cũng “ngẫu hứng” như chính tính cách thích xê dịch, du ca của nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhìn phố bằng đôi mắt nhớ nhung, nhạc sĩ Trần Tiến đã khoác lên đó vẻ đẹp thanh bình, tĩnh tại. Vì thế “phố” trong âm nhạc của ông nghèo mà vẫn đẹp đến nao lòng.

Hà Nội còn có những con đường tình yêu, trong âm nhạc của Phú Quang.

“Em ơi, Hà Nội phố. Ta còn em, mùi hoang lan, ta còn em, mùi hoa sữa. Con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm”….. Những câu thơ của nhà thơ Phan Vũ được nhạc sĩ Phú Quang lựa chọn, kết hợp, thổi hồn thành khúc ca da diết, lắng sâu về Hà Nội.

Lời ca dịu dàng mở ra thứ cảm xúc tình tứ, lãng mạn. “Hà Nội phố” được nhân xưng thành “em” như một tình tình, tri kỷ khiến người nhạc sĩ day dứt khôn nguôi.

Hà Nội trong âm nhạc Phú Quang mơ màng, mong manh và thanh lịch. Cùng với “phố” là những hoàng lan, hoa sữa. Mùi hương hoàng lan, mùi hương hoa sữa còn là mùi hương của ký ức, níu giữ, dẫn dụ cả người viết và người nghe.

Phố trong thơ

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ viết về Hà Nội là những trang sách bất hủ vừa mang vẻ đẹp tâm thức thời đại vừa tái hiện một Hà Nội hào hoa, lãng mạn.

 Một góc Hà Nội quá đỗi bình yên. Ảnh: Sơn Tùng

Năm 1948, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết về Hà Nội: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Hà Nội hiện lên qua những nét phác thảo tài tình bằng “mùa thu”, “hương cốm”, bằng chút “chớm lạnh”, “phố dài xao xác hơi may”, bằng chút “lá rơi đầy”.

Hà Nội còn là chủ đề của thơ ca hiện đại sau này qua những trang viết của nhiều nhà thơ trẻ.

Thái Thăng Long có bài “Ba mươi sáu phố phường” nêu đủ tên ba mươi sáu phố cổ, trong đó có những câu thơ: “Hàng Buồm chẳng còn cánh buồm/ Thuyền đậu nơi nào em đến/ Sông Hồng cách xa biền biệt/ Bãi ngô cát trắng mùa xuân/ Hàng Chuối, đâu còn có chuối/ Vài cây cơm nguội trăm tuổi/ Lác đác những chú chim sâu/Hàng Nâu rồi sang hàng Lược/...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn