MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hai ngôi chùa linh thiêng để cầu bình an dịp năm mới ở Hà Nội

Thanh Huế LDO | 06/02/2019 08:00

Vào dịp đầu năm mới, việc đi lễ chùa, cầu may đã trở thành tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Việt Nam. Chùa Bà Đá và chùa Phúc Khánh vốn là hai ngôi chùa tâm linh thu hút nhiều du khách tại Hà Nội. 

Chùa Bà Đá

Chùa Bà Đá được xây năm 1056 dưới đời Lý Thánh Tông. Tương truyền khi đào đất đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ở làng Báo Thiên Tự Tháp (khu vực Nhà thờ Lớn ngày nay) thì phát hiện được một pho tượng bằng đá hình dáng một phụ nữ (có thuyết cho là một pho tượng Phật Bà bằng đá).

Dân chúng cho là thánh mẫu nên đã lập đền thờ ngay tại nơi đào được tượng và gọi là đền Bà Đá. Sau người làng thấy linh thiêng mới góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì và thờ Phật. Vì vậy chùa có tên là chùa Bà Đá và tên chữ là "Linh Quang tự".

Chùa Bà Đá.

Chùa có tiền đường xây theo kiểu chữ nhất, trung đường xây theo kiểu chữ đinh, được nối liền với nhau, tạo nên một khối kiến trúc vuông vắn. Trong chùa có nhiều tượng gỗ. Chùa nằm trên một con phố nhỏ và dài chỉ vài trăm mét nhưng hiện diện cả hai hệ ý thức tín ngưỡng Phật giáo và Công giáo.

Trước kia trong chùa có Tượng Phát Lâm (tượng có nụ cười yêu đời) được coi là một trong tứ khí của Hà Nội.

Vì nằm giữa thành phố với các công trình xây cất chung quanh, chùa Bà Đá nay bị vây quanh tứ phía. Mặt tiền của chùa chỉ là ngỏ hẻm nhỏ thông ra phố Nhà thờ. Phía sau chùa là cao ốc nên diện tích đất chùa khiêm nhường. Dù vậy chùa đã được trùng tu, mái ngói lợp lại và một dãy nhà phụ bên cánh hữu được cất lại theo kiểu cổ.

Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết và từ mồng 4 đến mồng 7 Tết diễn ra lễ Quý Nhân dân Phật tử về chùa lễ Phật và lễ cầu an. Từ ngày mồng 10 đến ngày 14 là lễ cầu an và lễ Nguyên tiêu. Ngày Rằm tháng Giêng âm lịch là lễ Nhân dân thập phương về chùa lễ Phật.

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an.

Dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa vào năm 1950. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm và có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Chùa có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chung, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án...

Chùa Phúc Khánh.

Chùa Phúc Khánh được nhiều người dân lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn vào dịp đầu năm. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để cầu duyên.

Vào 7h tối ngày 14 tháng Giêng tại chùa Phúc Khánh diễn ra Đại lễ cầu an cho gia đình, thu hút được nhiều phật tử đến lễ chùa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn