MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hài Tết 2017: “Đổi món” để tránh nhàm

ĐẶNG CHUNG LDO | 02/01/2017 19:33
Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm, các nhà sản xuất lại rục rịch cho ra mắt các sản phẩm hài. Sau nhiều năm liên tiếp bị chê nhạt, nhảm, vì kịch bản cũ, diễn viên cũ, mùa hài tết năm nay chứng kiến cuộc chạy đua của các đạo diễn trong việc cải thiện nội dung, bám sát hơn những vấn đề nóng ngoài xã hội. Đó là con đường tất yếu mà hài phải đi, không chỉ để tìm đất sống cho đĩa hài, mà còn là cách giữ chân khán giả giữa thời bùng nổ gameshow và cuộc chiến với đĩa lậu.

Nhiều gương mặt mới, kịch bản mới

Hài Tết 2017 vẫn khai thác bối cảnh dân gian với những tình huống dở khóc, dở cười, câu chuyện sau lũy tre làng với ước mơ đổi đời, gái ế, người xấu mong thành đẹp… nhưng đã có sự lồng ghép với những vấn đề thời sự.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng bật mí trong chùm 3 phim hài tết 2017 của mình - “Enter”, “Bờm” và “Chôn nhời 4” - sẽ không thua kém gì Táo quân, khi đả kích sâu cay các vấn đề nóng hổi trong năm vừa qua. Nào là chuyện “chọn cá hay thép?”, kinh doanh thực phẩm bẩn, chuyện xây chuồng gà và dọn rác cũng phải đi xin phép, chuyện đa cấp, gạt tay trúng má, sống ảo, câu like…

Theo đạo diễn này, đây là nét khác mà ông đưa vào thị trường hài tết năm nay, đồng thời cũng vượt qua chính mình, khi làm hài tết hiện đại sau 20 năm gắn bó với phong cách hài dân gian quen thuộc.

Hài tết 2017 xen lẫn những gương mặt cũ và mới. Ảnh: TL

Đạo diễn Bình Trọng cũng không “kém cạnh” khi cho ra đời hai phim là “Đại gia chân đất 7” và “Làng ế vợ 3”, có sự đầu tư về kịch bản, thiết bị ghi hình và bối cảnh. Phần 3 của “Làng ế vợ” vẫn kể về câu chuyện tình trắc trở của những chàng trai chưa có gia đình, nhưng đầu tư hơn khi có nhiều thước phim được thực hiện tận bên Nga. Vượng Râu ngoài việc làm chương trình Gala Tết vạn lộc cũng trình làng sản phẩm hài “Cưới đi kẻo ế”, với sự đầu tư công phu, cùng sự góp mặt của diễn viên của cả hai miền Nam, Bắc.

Đặc biệt, thị trường hài tết 2017 không chỉ tăng ở số lượng mà còn ghi nhận sự xuất hiện của nhiều đạo diễn và diễn viên mới tham gia vào cuộc đua này. Trong đó phải kể đến đạo diễn Mai Hồng Phong và biên kịch Doãn Tâm - vốn rất nổi tiếng với những bộ phim dài tập - năm nay lấn sân sang hài, với đĩa “Ra phố tìm con”.

Bên cạnh việc vẫn mời những “gương mặt thân quen”, là cái tên thu hút khán giả, thì nhiều đạo diễn cũng “mạo hiểm” giao sản phẩm của mình cho những người mới. Lê Thị Dần - người gây ấn tượng với khán giả từ chương trình Thách thức danh hài, ca sĩ Lâm Chi Khanh, diễn viên truyền hình phía Nam Tường Vy, diễn viên trẻ Đỗ Duy Nam, MC Thảo Vân, ca sĩ Long Nhật… đều là những gương mặt mới của thị trường hài tết năm nay.

Dù vậy, sự không chuyên của “lính mới” đã tạo nên sự chênh lệch với những diễn viên gạo cội. Còn sự xuất hiện quá nhiều của dàn diễn viên chuyên nghiệp ở hết sản phẩm này đến sản phẩm khác, dù đổi vai, vẫn không khỏi dẫn đến sự nhàm chán.

Nhà sản xuất “khóc dở” vì cạnh tranh

Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng, làm hài tết thời buổi này, nhà sản xuất phải “đau đầu” với đủ thứ. Từ chuyện áp lực làm sao kịch bản năm sau hay và mới hơn năm trước, thì còn lo đối phó với nạn đĩa lậu, giữa thời mạng xã hội và gameshow hài bùng nổ như hiện nay.

Trong khi các nghệ sĩ hài phía Nam đều “đổ bộ” lên truyền hình, thì nghệ sĩ phía Bắc vẫn bám trụ với sản phẩm đĩa hài truyền thống. Không chỉ bởi phía bắc, nhất là vùng nông thôn, vẫn “chuộng” và coi việc xem đĩa hài ngày tết như một thói quen, “món ăn” không thể thiếu, mà còn bởi các đạo diễn cũng không muốn “buông” những sản phẩm đã trở thành thương hiệu của mình.

Nhưng vì sự hoành hành của đĩa lậu với giá rẻ, nên các đạo diễn đã in đĩa với số lượng cầm chừng, còn phần lớn chuyển sang hướng sản xuất rồi chia sẻ lên YouTube, mạng xã hội để có thêm nguồn thu từ quảng cáo. “Năm 2015 chúng tôi phát hành được 12 vạn đĩa, năm 2016 còn 7 vạn. Hiện nay các đại lý nhận in đĩa rất thấp, mỗi phim phát hành được 4 - 5 vạn là nhiều. Lo rằng, cứ đà này, chẳng mấy chốc đĩa hài tuyệt chủng mất” - đạo diễn Bình Trọng băn khoăn.

Không ít đạo diễn khác thì bàn cách “sống chung” với đĩa lậu - vì vấn đề chấp hành Luật Bản quyền ở nước ta chưa nghiêm - bằng cách tìm các nhà tài trợ và trông cả vào “bầu sữa” của các nhãn hàng. Có người còn gọi chuyện đĩa thật sống chung với đĩa lậu là quy luật tất yếu của thị trường hài tết, với mối quan hệ “cộng sinh”. Bởi sản phẩm càng nhiều đĩa lậu, chứng tỏ sản phẩm đó hay và dễ dàng hơn trong việc đi kêu gọi tài trợ.

Cũng chính vì nghịch lý này, mà vài năm nay, đĩa hài tết liên tục chen vào quá nhiều quảng cáo, thậm chí cắt ghép lộ liễu, cẩu thả để cốt cho logo hoặc tên của nhà tài trợ vào. Cách làm “chộp giật” này cũng chính là nguyên nhân khiến chất lượng hài tết ngày càng nhạt, chưa kể việc cho khán giả ăn mãi “món cũ” thì ngon mấy cũng thành nhàm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn