MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng PC50 (Công an TP Hà Nội). Ảnh: M.H

Cay đắng rơi vào bẫy lừa đảo qua mạng xã hội

Cường Ngô LDO | 21/08/2018 10:30
Những đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn, cách thức khác nhau khiến nạn nhân dễ dàng bị đánh lừa và rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Nhiều mánh khóe lừa đảo

Ngày 20.8, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Đinh Ngọc Viên (SN 1979, huyện Sóc Sơn) để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại cơ quan điều tra, Đinh Ngọc Viên khai nhận chính là kẻ gây ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị T vào ngày 13.5.2018 trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Theo đó, vào tháng 4.2018, Viên đăng ký tài khoản Zalo có tên Nguyễn Văn Thái và kết bạn với chị T. Viên giới thiệu mình là nhân viên văn phòng, bố mẹ và nhà ở nội thành Hà Nội, chưa vợ con, người yêu.

Sau một lần gặp mặt nói chuyện với T, Viên tiếp tục chủ động hẹn đi mua quần áo để về ra mắt bố mẹ Viên. Quá trình đi mua quần áo, Viên đã lừa lấy xe máy của T.

Bị can Đinh Ngọc Viên. Ảnh: ANTĐ

Cách đây không lâu, đối tượng Trần Quang Thỏa (quê Yên Bái) bị Công an TP Yên Bái bắt giữ về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Lấy tên là Hoàng Thiên Long, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Trần Quang Thỏa đã làm quen với một cô gái trú tại phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) qua mạng xã hội Zalo.

Qua nhắn tin, Thỏa nói với cô gái cần tìm bạn gái để quan hệ và sẽ trả 20 triệu đồng. Do đang cần tiền nên nạn nhân đã đồng ý gặp. Trong khi quan hệ với nhau, đối tượng này đã dùng điện thoại chụp nhiều bức ảnh nhạy cảm với cô gái và hứa cho vay thêm 60 triệu đồng với điều kiện phải viết giấy vay nợ.

Sau đó, Thỏa không đưa tiền cho nạn nhân và đe dọa, trong 3 ngày phải đưa số tiền 20 triệu đồng, nếu không sẽ gửi ảnh cho gia đình cô gái. Chiều 5.8.2017, khi đang nhận tiền từ nạn nhân, đối tượng Thỏa đã bị tổ công tác Công an TP Yên Bái phát hiện bắt giữ.

Chặn đứng "vòi bạch tuộc" lừa đảo qua mạng xã hội

Qua các vụ án trên cho thấy, những đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để làm quen, lợi dụng tình cảm rồi chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.

Chia sẻ về vấn đề này, thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CA TP Hà Nội) cho biết, từ năm 2015-2018, đơn vị tiếp nhận, xử lý, với nhiều vụ việc liên quan hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội.

Đối với lừa đảo qua mạng xã hội, một số hình thức phổ biến như đối tượng xưng danh là người đang định cư ở nước ngoài, lên mạng làm quen với những phụ nữ nhẹ dạ, hứa gửi tặng hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí để nhận hàng.

Để xử lý dứt điểm đối với loại tội phạm này, theo Thượng tá Hằng, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan công an, mỗi người dân cũng cần chủ động nâng cao cảnh giác và tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời có các biện pháp đấu tranh làm rõ. Có như vậy mới góp phần đảm bảo giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn