MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau thời gian bị "bỏ quên", TT - Huế và Đà Nẵng đã có kế hoạch bảo vệ di tích. Ảnh: N.Đ

“Hải Vân quan là của nhân loại, không thuộc sở hữu của riêng ai”

Hữu Long LDO | 18/11/2016 18:16
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Văn Hùng -  Giám đốc Sở VHTT TP. Đà Nẵng sau khi đại diện của Đà Nẵng thống nhất với lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc cùng lập hồ sơ trình lên Bộ VHTTDL đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngày 4.11 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và ngày 17.11 tại TP. Đà Nẵng, Sở VHTT của 2 địa phương này đã tổ chức cuộc làm việc nhằm thống nhất phối hợp khoanh vùng bảo vệ và lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND 2 địa phương trình Bộ VHTTDL công nhận phế tích Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngay sau khi đạt được kết quả này, sáng 18.11, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng.    

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng

Thông tin 2 địa phương thống nhất phương án lập hồ sơ công nhận phế tích Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia khiến nhiều người dân vui mừng vì từ đây, Hải Vân quan đã không còn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vậy tại sao đến thời điểm này tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mới tìm được tiếng nói chung để bảo vệ di tích?

Ông Huỳnh Văn Hùng: Chúng ta phải thừa nhận rằng Hải Vân quan là một di tích vừa có giá trị lịch sử và cả giá trị kiến trúc quân sự.

Hải Vân quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826 – PV), đây là công trình nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ của triều đình Huế lúc bấy giờ, cạnh đó, việc xây dựng Hải Vân quan còn có mục đích kiểm soát con đường thiên lý bắc nam và quan sát tàu bè ra vào tại cửa biển Đà Nẵng.

Hàng trăm năm qua, di tích nổi tiếng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng do sự tác động của khí hậu và cả yếu tố con người. Chúng tôi thừa nhận, thời gian dài, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã đứng nhìn di tích này hư hỏng, không có một động thái rõ ràng để chung tay bảo vệ.

Lý do quan trọng của tình trạng này là di tích nằm trên ranh giới hành chính giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Về mặt địa phương, đến nay ranh giới này chúng ta vẫn chưa được xác định cụ thể.

Đây là vấn đề lớn mà các ngành chức năng 2 tỉnh rất khó giải quyết. Chính vì vậy, hiện nay Chính phủ đang có kế hoạch xem xét phân định ranh giới của 2 tỉnh này trên cơ sở tham mưu của các bộ, ngành.

Thời gian dài, Hải Vân quan không được ngành chức năng bảo vệ, trung tu

Việc 2 địa phương cùng ngồi lại để tìm một giải pháp nhằm bảo vệ di tích Hải Vân quan có thuận lợi và khó khăn gì?

- Trong khi chờ đợi xác định ranh giới của di tích này thuộc địa phương nào thì bản thân những người làm văn hóa chúng tôi nhận định một thực tế là phế tích Hải Vân quan đã xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trong 2 cuộc làm việc vừa qua, chúng tôi đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung để bảo vệ khẩn cấp phế tích. Theo đó, chúng tôi thống nhất phương án phối hợp cùng nhau trình hồ sơ công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia và xa hơn nữa là lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Vậy trong thời gian chờ đợi thì Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã có những biện pháp nào để bảo vệ phế tích này, thưa ông?

- Chúng tôi đang phối hợp xây dựng quy chế trong công tác quản lý di tích trong thời gian chờ đợi Chính phủ xem xét.

Trước mắt, ngành chức năng tại huyện Phú Lộc thuộc Thừa Thiên - Huế và quận Liên Chiểu của TP. Đà Nẵng thường xuyên phối hợp  kiểm tra, bảo vệ di tích, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan, hướng dẫn du khách…

Sau khi Hải Vân quan được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, chúng tôi sẽ áp dụng Luật Di sản văn hóa để bảo vệ Hải Vân quan.

Cụ thể, nếu căn cứ vào Luật Di sản thì di tích như Hải Vân quan sẽ có 2 vùng bảo vệ đặc biệt. Đó là vùng bảo vệ 1 (vùng có yếu tố gốc như tường thành, lối đi, bậc tam cấp - PV) và vùng 2 (cách vùng bảo vệ 1 một khoảng theo quy định – PV). Giữa khoảng cách của 2 vùng này hiện sở văn hóa 2 tỉnh vẫn đang khảo sát thực tế để đưa ra con số cụ thể khoanh vùng bảo vệ.

Xa hơn, nếu Hải Vân quan được công nhận di tích quốc gia đặc biệt thì chúng tôi sẽ đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để tôn tạo, phục dựng những kiến trúc bị hư hỏng và có kế hoạch trùng tu, phục dựng.

Bậc tam cấp dẫn lên phế tích bị hư hỏng

Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là sau khi Chính phủ phân định ranh giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng trong đó di tích Hải Vân quan có thể sẽ không thuộc về Đà Nẵng. Vậy ông có quan điểm như thế nào về việc này?

- Sau này nếu trung ương quyết định di tích Hải Vân quan thuộc về Đà Nẵng hoặc ngược lại thì chúng tôi sẽ cam kết tuân thủ chấp hành quyết định.

Lâu nay 2 địa phương “bỏ quên” Hải Vân quan nên di tích này mới xuống cấp nhanh chóng như vậy. Chúng tôi không thể ngồi yên được nữa, di tích Hải Vân quan là của cha ông để lại nên chúng ta phải có trách nhiệm.

Việc phân định Hải Vân quan thuộc về ai  không quan trọng, ở đây, chúng ta phải làm sao có thể bảo tồn di tích khẩn cấp để gìn giữ cho các thế hệ sau.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn