MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà cổ gắn với sự kiện Cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Bạc Liêu xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Nhật Hồ

Hàng loạt căn nhà cổ tại Bạc Liêu xuống cấp

NHẬT HỒ LDO | 13/09/2024 07:58

Nhiều căn nhà cổ gắn với sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Bạc Liêu xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có căn phải hạ giải trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Nhà cổ số 29, còn gọi là Tòa bố được xây dựng năm 1882, với kiến trúc công sở phương Tây. Không chỉ độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, đây còn là nơi diễn ra một sự kiện lịch sử đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng tại Bạc Liêu.

Căn nhà cổ số 29 gắn liền với Ngày truyền thống Bạc Liêu 23.8 đã xuống cấp. Ảnh: Nhật Hồ

Ngày 23.8.1945, trước khí thế bão lửa cách mạng, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện đã đầu hàng vô điều kiện và trao chính quyền cho Nhân dân.

Sự kiện này diễn ra tại Dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu, nay là Nhà cổ số 29, đường Trần Phú, Phường 3, đối diện trụ sở HĐND - UBND TP Bạc Liêu. Ngày 23.8, được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là Ngày truyền thống cách mạng của tỉnh Bạc Liêu.

Dù được UBND tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật, song qua năm tháng, công trình đã xuống cấp trầm trọng, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào.

Căn nhà cổ góc đường 30 tháng 4 - Lê Văn Duyệt trước khi đập bỏ. Ảnh: Nhật Hồ

Ngoài Nhà cổ số 29, Bạc Liêu còn một di tích kiến trúc tiêu biểu in đậm dấu ấn của những ngày tháng Tám lịch sử. Đó là Nhà cổ Carrie hay còn gọi Trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu lâm thời năm 1945, nằm góc đường 30 tháng 4 và đường Lê Văn Duyệt (Phường 3, TP Bạc Liêu ngày nay).

Di tích lịch sử Trụ sở của Tỉnh ủy Bạc Liêu lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh có số phận bi đát hơn. Sau 10 năm được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử, vào tháng 11.2023, chính quyền TP Bạc Liêu đã tháo dỡ toàn bộ công trình rộng hơn 310m2 với lý do không còn khả năng bảo tồn nguyên trạng.

Căn nhà cổ góc đường 30 tháng 4 - Lê Văn Duyệt sau khi đập bỏ còn lại một khoảng đất thế này. Ảnh: Nhật Hồ

Dấu tích công trình theo kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX chỉ còn lại nền gạch bông, vài viên gạch đỏ, để lại niềm tiếc nuối cho người dân địa phương, du khách và những ai yêu mến lịch sử, kiến trúc.

Bạc Liêu hiện có 15 ngôi nhà cổ (đều trên địa bàn TP Bạc Liêu) đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn di tích tại Bạc Liêu được chính quyền địa phương và ngành văn hóa thực hiện.

Bên cạnh 2 ngôi nhà cổ được trùng tu (nhà ông Cao Triều Trực, số 59, đường Thống Nhất, khóm 2, Phường 5, kinh phí trùng tu 2,5 tỉ đồng) và nhà Công tử Bạc Liêu (xã hội hóa), các di tích kiến trúc cổ còn lại đã và đang xuống cấp, biến dạng, mất đi vẻ đẹp cổ kính vốn có và có cái thậm chí đã không còn.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban quản lý di tích, để bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà cổ đã được xếp hạng theo phân cấp di tích cấp tỉnh, UBND cấp huyện cần có kế hoạch trùng tu, tôn tạo các ngôi nhà cổ đã xuống cấp. Đồng thời, rà soát, đề xuất các ngôi nhà cổ có giá trị trên địa bàn để lập hồ sơ di tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn