MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc được tổ chức hằng năm với sự tham gia đông đảo của người dân, phật tử. Ảnh: Đức Tuấn

Hàng ngàn người tham gia lễ hội tại ngôi chùa cổ nhất miền Trung

PHI LONG - ĐỨC TUẤN LDO | 05/02/2023 14:15
QUẢNG BÌNH - Ngày 5.2, UBND huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2023.

Đây là hoạt động thường niên được chùa Hoằng Phúc tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, nhằm cầu cho Quốc thái dân an và bình an cát tường cho mọi nhà.

Lễ hội không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật của du khách mà còn là nét văn hóa rất riêng của người dân nơi đây.

Lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Đức Tuấn

Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung với lịch sử 715 năm hình thành và phát triển.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát tâm đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, phật tử và nhân dân, chùa được xây dựng khang trang, bề thế theo lối kiến trúc đời Trần.

Chùa Hoằng Phúc - một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại miền Trung. Ảnh: Đức Tuấn

Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.

Sau rằm tháng Giêng hàng năm, chùa Hoằng Phúc tổ chức Lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo như: Lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa; lễ khai ấn; lễ phóng sinh; thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo; lễ cúng phật cầu Quốc thái dân an; lễ phát lộc, thả hoa đăng góp phần bảo tồn văn hóa dân gian và nhiều hoạt động văn hóa thể thao độc đáo của người dân Lệ Thủy như: Dân ca hò khoan Lệ Thủy; múa vương, tướng, long, hổ; hội bài chòi, đánh đu truyền thống, thi đấu cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, biểu diễn võ thuật cổ truyền...

Lễ rước nước được lấy từ vực An Sinh (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những nghi thức quan trọng trong khuôn khổ lễ hội. Ảnh: Đức Tuấn

Lễ hội đã thu hút đông đảo tăng, ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài huyện tham dự, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa tâm linh và là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Là người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy, anh Nguyễn Thanh Tuyền cùng người thân đến chùa Hoằng Phúc để tham quan, tham gia các hoạt động tại lễ hội của chùa đồng thời cầu bình an cho bản thân và gia đình.

“Năm nào tôi cũng đến chùa Hoằng Phúc, đầu tiên là vào những ngày đầu tiên của năm mới và thứ hai là vào dịp rằm tháng Giêng để vừa du xuân vừa cầu bình an cho những người thân trong gia đình, đồng thời tham gia các hoạt động tâm linh tại đây.

Đến với chùa Hoằng Phúc, tôi luôn có cảm giác bản thân mình được bình yên, thanh tịnh”, anh Tuyền cho biết.

Cũng theo nhiều người dân, các hoạt động văn hóa, tâm linh diễn ra tại lễ hội năm nay của chùa Hoằng Phúc cũng rất đa dạng, phong phú, vừa góp phần quảng bá nhiều sản phẩm, vừa lưu giữ các nét đẹp văn hóa dân gian của địa phương.

Lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm 2023 tiếp tục được tổ chức vào các ngày 4.2 và 5.2 (nhằm ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Quý Mão) nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tăng, ni, phật tử.

Đông đảo người dân, du khách đến chùa Hoằng Phúc để du xuân, tham dự lễ hội. Ảnh: Đức Tuấn

Ngoài các hoạt động thường niên, lễ hội năm nay sẽ tổ chức một số hoạt động mới: gian hàng ẩm thực, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa rối nước…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn