MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuân Lê - nghệ sĩ người Pháp gốc Việt trong tác phẩm ''Vòng lặp''.

‘’Hanoi Dance Fest 2019’’: Bệ phóng cho tài năng trẻ

Lê Quang Vinh LDO | 21/06/2019 13:30
Là đối tác trong nhiều dự án múa đương đại, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tiếp tục hợp tác tổ chức sự kiện múa đương đại ‘’Hanoi Dance Fest 2019’’.

Tháng 7.2018, Viện Goethe, hợp tác cùng VNOB và Học viện Múa Việt Nam, tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của Nhà soạn nhạc, đạo diễn nhạc kịch, GS. Heiner Goebbels và đồng giám đốc nghệ thuật - NSƯT Trần Ly Ly. Đây là chương trình đầu tiên dành riêng cho các biên đạo, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ và nhạc công trẻ tài năng người Việt.

Tiếp đó, dự án của các biên đạo Nguyễn Duy Thành, Huy Trần, Vũ Ngọc Khải và nghệ sĩ múa Hoàng Lan Phương được Viện Goethe hỗ trợ sản xuất để ra mắt trong ‘’Hanoi Dance Fest 2019’’, với sự đồng hành của Trung tâm Văn hóa Pháp và VNOB, nhằm tạo cơ hội để khán giả Việt Nam khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại.

Sự kiện ‘’Hanoi Dance Fest 2019’’ là lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng (dưới 34 tuổi) của Việt Nam hội tụ cùng các biên đạo Pháp và Scottland trên cùng một sân khấu múa quốc tế:

Biên đạo và nghệ sĩ múa Huy Trần hiện làm việc tại Đức, là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai trò đồng giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern (Đức). Tác phẩm ‘’Đa chiều’’ của anh là một sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những chiều kích gồm không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu.

Biên đạo và nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải (Việt Nam) hiện làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sĩ). Năm 2018, anh thắng giải Nhất cuộc thi Biên đạo trẻ Quốc tế Ayang Young Choreographer Competition (Hàn Quốc), đồng thời, đồng sáng lập và trở thành giám đốc nghệ thuật của tổ chức 1648kilomet (Biểu diễn nghệ thuật và Tổ chức sinh hoạt cộng đồng). Tác phẩm ‘’Đáy Giếng’’ của Khải là hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hoá và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.

Biên đạo và nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành (Việt Nam) đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa, là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp Hip Hop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Tác phẩm ‘’Thán’’ của anh lấy cảm hứng từ nghệ thuật Tuồng, và cách điệu chính ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sỹ và biên đạo Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) từng đứng thứ 6 giải vô địch trượt slalom thế giới thể loại freestyle năm 2009. Anh kết hợp tinh tế bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình. Tác phẩm ‘’Vòng lặp’’ của anh mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp.

Baydanc là một nhóm nghệ sĩ trẻ với nhiều xuất thân nghệ thuật, nhưng cùng trân trọng tự do, sự đa dạng và tự nhiên khi làm nghệ thuật. Tác phẩm ‘’Khối Bất kỳ’’lấy cảm hứng từ bìa các tông và các chất liệu dính như băng dính hay hạt cơm... Người xem có thể cảm nhận những ám ảnh và hiệu ứng mà chất liệu tác động lên nghệ sĩ và ngược lại.

Tác phẩm của biên đạo James Sutherland (Scotland) cho thấy một mối quan hệ nam - nữ bị phá vỡ bởi sự hấp dẫn nữ tính bên ngoài đối với phái nữ. ‘’FeMale’’ bàn về những mối quan hệ không theo chuẩn tắc và những gì tưởng chừng lệch chuẩn ở bên ngoài hoá ra lại hợp chuẩn từ bên trong.

Các buổi biểu diễn đều từ 20h. Tối 28.6 gồm các tác phẩm: Khối bất kì - Thán - Đáy giếng và tối 30.6 gồm: FeMale - Vòng lặp - Đa chiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn