MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Hiến kế” để ngăn chặn “biến tướng” hầu đồng

Bích Hà LDO | 10/03/2017 20:33
Theo ông Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Bộ sẽ có những quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã, cũng như các quy chuẩn về việc sân khấu hóa, nơi được phép thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… để nhằm hạn chế tình trạng biến tướng, trục lợi trên di sản “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Phát huy giá trị của di sản

Chiều 10.3, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VHTTDL) chính thức tổ chức họp báo công bố “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, để tôn vinh di sản này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã giao tỉnh Nam Định tổ chức lễ đón bằng UNESCO ghi danh, trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí và đặc biệt là cần phát huy vai trò của cộng đồng – chủ thể văn hóa của di sản.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định Khúc Mạnh Kiên, buổi lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO  sẽ diễn ra vào 2.4, tại quần thể di tích Phủ Dầy, huyện Vụ Bản. Đây là dịp để quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” nói chung và hình ảnh quê hương Nam Định với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế. Sau lễ đón bằng công nhận, chương trình nghệ thuật tập trung thể hiện rõ các giá trị tiêu biểu của tín ngưỡng thờ mẫu, nhất là hát văn. Tỉnh Nam Định không tổ chức các giá hầu trên sân khấu trong lễ đón bằng công nhận.

Một bà đồng tại đền Tam Phủ, Hà Nội. Ảnh: Tewfic El-Sawy

Nói về giá trị và ý nghĩa của việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt rất phong phú, sống động, đặc sắc và nhân văn. Đó là bảo tàng sống sinh động của văn hóa Việt. Ở đó còn chứa đựng giá trị đoàn kết cộng đồng và một điều thú vị là tín ngưỡng này còn đề cao hình tượng người phụ nữ. Đây còn là một tín ngưỡng hiện sinh, mang đến cho con người tin vào tín ngưỡng những hy vọng tốt đẹp ngay trong cuộc sống trần gian này như những điều ước về Phúc – Lộc – Thọ.

Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn được đánh giá cao ở sự hòa hợp, dung hợp nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng khác như Phật giáo, Đạo giáo... có nhiều điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng tôn thờ thánh mẫu và vì thế góp phần tăng cường đối thoại, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các cộng đồng. Theo bà Mai, đây là những giá trị rất tốt đẹp của di sản mà mỗi người dân Việt Nam cần có trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy.

Cần có “quy chuẩn” thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc hội thảo xung quanh vấn đề biến tướng, trục lợi từ di sản, với không ít ý kiến trái chiều, nhất là với di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tiêu biểu là nghi lễ lên đồng, được coi là trung tâm. Đây thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp hài hòa…

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua xảy ra không ít sự việc liên quan đến việc mở phủ, hầu đồng tràn lan, các nghệ sĩ đua nhau đưa hầu đồng lên sân khấu biểu diễn. Để nghi lễ lên đồng không bị biến tướng, GS-TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia kiến nghị Bộ VHTTDL cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã, cũng như các quy chuẩn liên quan đến việc sân khấu hóa di sản, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… để tránh hiện tượng biến tướng, trục lợi, làm mai một các giá trị tốt đẹp của di sản.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” mà UNESCO đã ghi nhận. Việc này để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng dân gian chứ không phải là hành vi lợi dụng đức tin để trục lợi.

Đồng tình với ý kiến của GS-TS Nguyễn Chí Bền, ông Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết, thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ đưa ra các quy định, chế tài để ngăn chặn chuyện trục lợi trên di sản, cũng như có đề án để bảo tồn di sản.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, các tỉnh cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, các thầy đồng không lợi dụng kiếm lợi và xúi giục các hành vi mê tín dị đoan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn