MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp A13 ở khu di tích Mỹ Sơn sau trùng tu. Ảnh: Ban QLDS Mỹ Sơn

Hoàn tất trùng tu tháp A13 ở khu di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam

Trung Hiếu LDO | 11/10/2023 12:02

Ngày 11.10, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, vừa hoàn tất tái phát hiện và bảo tồn ngôi tháp A13 - di tích cuối trong nhóm tháp A, đồng thời khép lại Dự án hợp tác bảo tồn văn hoá giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tháp A13 khu Di sản văn hoá (DSVH) Mỹ Sơn là ngôi tháp bị hư hại nặng nề trong chiến tranh. Đây là một trong những ngôi tháp cuối cùng được nhóm chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ trùng tu bảo tồn, trong khuôn khổ chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Phù điêu tạc 7 hình người được tái phát hiện tại tháp A13-Mỹ Sơn. Ảnh: Ban QLDS Mỹ Sơn

Trong quá trình khai quật, tái phát hiện tại tháp A13, các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ đã phát hiện bức phù điêu bằng đá sa thạch kích thước 320x68 cm, áp vào phía Đông tường tháp.

Trên đó, khắc tạc 7 nhân vật đứng, nét khắc thô mộc, thiếu trau chuốt. Đây là dạng điêu khắc chưa từng phát hiện ở Mỹ Sơn và hiếm thấy tại các di tích Chăm.

Đài thờ tạc tượng thần ngồi bằng đá sa thạch mịn khá độc đáo, được phát hiện tại tháp A13. Ảnh: Ban QLDS Mỹ Sơn

Cùng với bức phù điêu, một đài thờ có điêu khắc hình tượng thần ngồi, khuôn mặt hiền từ, điềm tĩnh. Phía trên đầu thần có hình rắn Naga 5 đầu; phía dưới có sinh thực khí Yoni. Tất cả điêu khắc trên đá sa thạch mịn.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn phát hiện các khối đá cạnh vuông vức ở phía đông và nam tháp, được cho là một phần của các ô cửa sổ thuộc tháp.

Trụ đá lanh tô phát hiện tại tháp A13 - Mỹ Sơn. Ảnh: Ban QLDS Mỹ Sơn

Sau khi nghiên cứu chi tiết di tích tháp A13, các chuyên gia nhận định, tháp A13 có bình đồ hình vuông; niên đại vào cuối Thế kỷ thứ 9, giai đoạn cuối chuyển tiếp từ phong cách Đồng Dương sang Mỹ Sơn A1. Đây là ngôi tháp thờ thần bảo tồn Visnu - một trong ba vị thần chính trong Hindu giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn