MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khâu tổ chức lỏng lẻo, chủ quan là nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc trong lễ hội chọi trâu. Ảnh: Zing

Hội chọi trâu nhuốm màu bạo lực: Từ cái chết của con vật đến nhiều “cái chết” của con người!

Bích Hà LDO | 03/07/2017 18:15
Vì lợi nhuận, có thời gian các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội chọi trâu. Nơi đâu cũng nhân danh tôn vinh truyền thống, nhưng thực chất là bán vé, thu tiền, trục lợi trên di sản. Nhiều người cho rằng, hội chọi trâu bây giờ đã mất đi giá trị nhân văn mà giống như một trò chơi bạo lực.

Đủ cách “lách” để tổ chức chọi trâu

Năm 2016 trở về trước, không chỉ Hải Phòng có chọi trâu, mà cả Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bình Phước… đều thi nhau tổ chức. Thậm chí, Yên Bái có 7 huyện thì 6 huyện mở hội, nơi nào cũng “gắn mác” lễ hội truyền thống.

Năm 2017, nhận rõ những biểu hiện biến tướng trong các lễ hội chọi trâu, Bộ VHTTDL đã không cấp phép tổ chức những lễ hội mới. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các địa phương đã nghĩ ra đủ cách để “lách” cơ quan quản lý.

Thứ trưởng VHTTDL Trịnh Thị Thủy, khi còn phụ trách Cục Văn hóa cơ sở, đã chia sẻ với phóng viên về những biểu hiện biến tướng của lễ hội chọi trâu hiện nay, mà “động lực” để các địa phương làm điều này là vì “món lợi” rất lớn thu về từ việc tổ chức lễ hội.

Các địa phương đều muốn tổ chức lễ hội để quảng bá, giới thiệu về các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn của mình. Đấy cũng là định hướng trong việc gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, biến di sản thành tài sản cho các cộng đồng để họ phát triển kinh tế địa phương. Có điều, họ đã quá chú trọng đến việc kinh doanh mà quên việc tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của di sản.

“Khi Bộ không cho tổ chức lễ hội chọi trâu thì họ mở hội thi trâu khỏe, đua trâu. Cấm chọi trâu thì họ quay sang tổ chức chọi chó. Qua khảo sát và tìm hiểu ở một số địa phương, thanh tra Bộ đã đi xuống nhiều địa bàn kiểm tra và thấy một sự thật là: Việc nuôi trâu chọi không phải do người dân nuôi, mà do hẳn một doanh nghiệp đứng ra tổ chức, lấy danh nghĩa là mong muốn của cộng đồng, nhưng thực chất là để bán vé, thu tiền. Trâu thắng hay thua đều làm thịt hết, bán với giá cao. Cũng chẳng ai kiểm chứng được đó có đúng là thịt trâu chọi hay không? Có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không?” – bà Trịnh Thị Thủy chia sẻ.

Cá biệt, từ đầu năm đến nay, dù không được cấp phép, một số nơi vẫn tổ chức lễ hội “chui”, rồi mang vào thư viện huyện để tổ chức giết thịt như ở Lục Yên (Yên Bái). Tội nhất vẫn là những “ông trâu”, lăn xả để giành chiến thắng, phần thưởng lớn nhất là… bị giết thịt sau trận đấu. Điều này do con người nghĩ ra và đã trở thành “truyền thống” ở nhiều nơi, chứ không phải chỉ ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Lần đầu tiên xảy ra sự việc trâu chọi húc chết người ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: CTV

“Núp bóng” lễ hội truyền thống

Trước sự việc một người chủ bị trâu chọi húc chết vào ngày 1.7, Bộ VHTTDL đã nhanh chóng chỉ đạo tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, vì khâu tổ chức không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trước động thái của cơ quan quản lý, phía Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục được tổ chức lễ hội, vì đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã tồn tại cả trăm năm nay.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, việc chọi trâu ở Đồ Sơn hiện nay không thể gọi là lễ hội truyền thống được. “Đó chỉ còn là một thứ trò chơi núp bóng lễ hội cũ, mượn danh thượng võ để nhằm đạt được ý đồ khác. Trước đây, việc tổ chức chọi trâu không phải với mục đích xẻ thịt "ông trâu" để bán như bây giờ” – GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều bạn đọc cũng cho rằng, lễ hội chọi trâu bây giờ ngày càng mang màu sắc kinh doanh, trục lợi. “Năm 2015 và 2016, dư luận, truyền thông đã đặt câu hỏi "có nên duy trì lễ hội bạo lực hay không? Tôi nghĩ chọi trâu quả đúng trò chơi bạo lực trong một xã hội văn minh như ngày nay, từ những cái chết của động vật dẫn đến những cái chết thương tâm của con người (chết do cá độ, thua tiền, rồi chém giết nhau). Vậy nên Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung cần loại bỏ ngay các trò chơi mang tính bạo lực này” - bạn đọc Cao Minh nêu quan điểm.

Tuy nhiên một số ý kiến khác thì cho rằng, nên giữ di sản, không nên bỏ lễ hội chọi trâu, nhưng cần chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn cho tính mạng con người. “Ở Tây Ban Nha có lễ hội đấu bò tót, Campuchia có đấu bò rất nổi tiếng, thu hút khách du lịch. Chọi trâu là lễ hội ngàn đời của Đồ Sơn và dân tộc, nếu chỉ vì một tai nạn mà "dẹp bỏ" thì có nên không? Tôi nghĩ hãy cứ duy trì lễ hội này, nhưng cần bảo đảm an toàn hơn!” – bạn đọc Tùng Lâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn