MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại của Việt Nam” của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm.

Hồi nhớ, như một nỗ lực nghệ thuật giúp tìm tới bằng an

Như Huy LDO | 31/01/2022 13:36

“Hồi nhớ không hề là một hành vi nội chiếu thảnh thơi, nó luôn liên đới tới sự đớn đau khi kẻ hồi nhớ phá vỡ quá khứ ra từng mảnh nhỏ, tái thiết chúng nhằm cung cấp ý nghĩa cho những thương tổn trong hiện tại”.

Triết gia gốc Ấn Homi Bhabha viết thế trong cuốn sách nổi tiếng “Vị trí của văn hoá” (Routledge, 1994, tr. 90) của mình. Trái với quan niệm thường có về sự hồi nhớ, thường được quan niệm như điều gì có tính ổn định, khi sự hồi nhớ luôn trùng khít với điều được hồi nhớ, triết gia Homi Bhabha coi hồi nhớ là một lao động, hay thậm chí hơn thế, một cuộc chiến để giúp “cung cấp ý nghĩa cho những thương tổn trong hiện tại”. Sâu xa hơn, ý của Homi Bhabha là, “chỉ khi nào ta thấy ra được ý nghĩa của các thương tổn”, thì lúc đó, con người mới đạt được sự bình yên đích thực.

Tôi muốn sử dụng tư tưởng của Homi Bhabha về sự hồi nhớ nói trên với mục đích nêu ra ba ví dụ từ ba nghệ sĩ đương đại Việt Nam,  là: Nguyễn Trần Ưu Đàm, Lê Giang, và Phan Quang.

PHỦ ĐẬY/PHỤC HỒI của Phan Quang, hay nỗ lực phục hồi những gì bị phủ đậy

Trong dự án Phủ đậy/Phục hồi này, nghệ sĩ đã nghiên cứu và tìm đến những nhân vật là các phụ nữ từng có quan hệ vợ chồng và sinh con với những người lính Nhật vào thời thế chiến II tại Việt Nam, trước khi những người lính Nhật này về lại nước Nhật vào năm 1954/1955. Điều thú vị là trước khi nghệ sĩ chụp các phụ nữ này, dù là chụp riêng, hay cùng con cháu họ, anh đều đề nghị họ cho phép anh trùm lên họ một tấm lụa được đặt làm tay tại một làng quê Nhật chuyên sản xuất lụa.

Các tấm voan trắng trong suốt đó, xuất hiện trong bức ảnh, phủ che toàn bộ các con người và vật thể được chụp theo lối vừa làm nổ bật họ lên khỏi phòng cảnh chung như một khối ngoại lai, vừa xoá mờ nhân dạng họ để chỉ còn là một tập hợp lô nhô nhoà lẫn vào nhau. Đặc biệt, trong một vài bức ảnh chụp chân dung, một số phụ nữ này còn cầm bức ảnh của chính người đàn ông Nhật là cha của con họ - tức người vào lúc đó đã qua đời và là người sau khi trải qua dâu bể thương hải tang điền của cuộc đời, đã có gia đình riêng tại Nhật, và rồi đã trở lại Việt Nam gặp lại người phụ nữ mấy chục năm trước cùng đứa con là giọt máu của mình.

Loạt ảnh của tác phẩm “Phủ đậy/Phục Hồi” của nghệ sĩ Phan Quang.

Chẳng phải, lịch sử của con người được tạo nên từ trục che đậy và phục hồi hay sao? Những gì bị che đậy, những gì sau đó được giải minh, phát hiện và phục hồi? Chính ở đây các bức ảnh của Phan Quang đã có sức mạnh của các bằng cớ vi lịch sử - tức điều không kết án, không tìm cách nối khớp mọi tính đa bội thành một câu chuyện logic, để chỉ bày biện ra cho ta thấy khoảnh khắc chớp tắt miên viễn của che đậy và phục hồi trong tiến trình các sự kiện được cô đúc thành biến cố với các nghĩa khác nhau chồng lớp vào nhau.

Tác phẩm này là một trong số 3 tác phẩm của nghệ sĩ Phan Quang hiện được bảo tàng nghệ thuật đương đại Los Angeles, Mỹ, mua cho bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng.

TÀN CHỈ của Lê Giang, hay sự tưởng tượng ra quá khứ

Dự án của Lê Giang là một dự án kỳ lạ ở chỗ, trong dự án này, nghệ sĩ đã tìm cách tưởng tượng ra một quá khứ.

Triết gia Heidegger từng chỉ rõ ra tính chất đặc biệt của thời gian này trong tác phẩm Tồn tại và Thời Gian (Being and Time). Với  Heidegger, bởi thời gian không phải là các điểm chạy liên tiếp về phía trước, cũng không phải là điều gì đối lậo với phi thời (sự vĩnh cửu), mà là điều buộc phải có quan hệ với kẻ sống ở đời. Vì lẽ đó, trong cái gọi là thời gian tính của Heidegger, quá khứ trở thành ký ức; hiện tại đã là các hành động và tương lai chính là sự dự tưởng từ điểm nhìn hiện tại

Tác phẩm “Tàn chỉ” của Lê Giang, có lẽ đã trình ra cái thời gian tính này. Ở đây, quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng đều xuất hiện ta như một thực thể 3 lớp ẩn vào nhau: Hiện tại ẩn vào tương lai, và cả hai đều được được quá khứ trung gian.

Nghệ sĩ viết:

“Tàn tích tạo thành một hiện thân của quá khứ” (Tim Edensor), trong khi vẫn tạm thời liên kết với hiện tại của chúng ta”,  do đó, “các tác phẩm trong triển lãm Tàn chỉ được đúc bằng chất liệu thạch cao như một cách duy trì sự hiện diện của các hiện vật đang đứng trước nguy cơ nhanh chóng bị mai một trong sự kiếm tìm mải miết một xã hội hiện đại.

Tác phẩm “Tàn Chỉ” của nghệ sĩ Lê Giang.

Nghệ sĩ chiêm nghiệm:

“Có lẽ, trong một dòng sông không ngừng đẩy chúng ta trôi chảy về phía trước, trong dòng chảy thay đổi liên tục của xã hội và tự nhiên, đây chỉ là một hành động vô ích, xuất phát từ mối gắn bó cá nhân với quá khứ. Nó giống như một bước chuyển trong tâm trí chúng ta, từ việc sống hướng đến tương lai sang việc trân trọng hồi ức và quá khứ...” (theo thông cáo báo chí trong tác phẩm của nghệ sỹ)

Tác phẩm “Tàn chỉ”  của Lê Giang hiện đang được trưng bày tại Asian Art Biennale 2021, Đài Loan (Trung Quốc)

THÁNH GIÓNG ĐƯƠNG ĐẠI CỦA VIỆT NAM của Ưu Đàm, hay sự diễn giải quá khứ vào hiện tại

Mối quan hệ giữa những gì được  con người ghi nhớ và những gì họ mường tượng cũng là chủ đề ngẩm ẩn trong tác phẩm “Thánh Gióng đương đại của Việt Nam” của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm. Tác phẩm này nằm trong loạt 5 tác phẩm

1. Vũ Điệu của Các Kỵ Sĩ Máy

2. Đuôi rắn buổi sáng (Serpents’ Tails Morning)

3. Đuôi rắn (Serpe’s  tails)

4. Thánh Gióng đương đại (Contemporary Saint Gióngs)

5. Eco-Đi

“Thánh Gióng đương đại” là một tác phẩm như chính nghệ sĩ viết “Tác phẩm này là một hình ảnh ẩn dụ về sự chuyển đổi của Việt Nam, từ một chàng trai, cô gái trở thành một người đàn ông, đàn bà, từ một nông dân thành một người thợ công nghiệp…”. Các thánh Gióng hiện ra trong tác phẩm của nghệ sĩ là cả đàn ông và đàn bà, và kẻ thù của họ “do chính họ tạo ra”  là khói bụi được xả ra từ các phương tiện sử dụng xăng dầu.

Tác phẩm có vẻ đơn giản trên bề mặt, song ở chiều sâu, nó trình ra một nghịch lý không thể giải quyết  của con người hiện đại: Mọi kẻ thù/sự kiện huỷ diệt được loài người luôn là các kẻ thù/sự kiện do chính con người tự tạo ra -  từ bom nguyên tử đến sự ô nhiễm môi trường.

Tác phẩm “Tàn Chỉ” của nghệ sĩ Lê Giang.

KẾT

Bằng những cách khác nhau, cả ba nghệ sĩ Phan Quang, Lê Giang, và Nguyễn Trần Ưu Đàm đều đã tìm cách tiếp cận với quá khứ theo cách khác thường. Quá khứ với Phan Quang là ký ức cần được phục hồi; quá khứ với Lê Giang là một hiên tại đưọc đem vào tương lai, như một lời cảnh báo về sự đánh mất truyền thống, và quá khứ của Nguyễn Trần Ưu Đàm là chất liệu diễn giải kiểu hài hước đen (black humor) về tình trạng của chính hiện tại

Cả ba cách tiếp cận nói trên đều không coi quá khứ là điều gì tĩnh tại, và hành vi hồi nhớ là điều gì minh bạch. Trái lại, chúng dường như đều có sự tương đồng với điều mà Homi Bhabha coi là sự hồi nhớ đích thực, tức điều phải là một nỗ lực phá huỷ, để sau đó tái thiết lại, nhằm căt nghĩa cho “các thương tổn trong hiện tại” - giúp cho con người đạt tới bằng an. Các thương tổn cần phải được cắt nghĩa ấy, với Phan Quang là “sự quên lãng”, với Lê Giang là sự “hạ thấp giá trị của truyền thống, của hồi ức” và với Nguyễn Trần Ưu Đàm là “nguy cơ tận diệt do chính loài người tạo ra”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn