MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hiện vật gốm trục vớt từ các dòng sông Huế trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Phan Thanh Hải

Huế: Triển lãm gốm cổ sông Hương "câu chuyện từ những dòng sông"

Tường Minh LDO | 15/06/2022 15:11

Huế - Khai mạc triển lãm gốm cổ sông Hương, chủ đề "câu chuyện từ những dòng sông" với hơn 300 hiện vật.

Hưởng ứng Festival Huế 2022, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của bà Thái Kim Lan tổ chức trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông”.

Những hiện vật gốm trục vớt từ các dòng sông Huế trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Phan Thanh Hải

Triển lãm nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế những tư liệu quý bằng sử liệu vật thật- những cổ vật được trục vớt lên từ những dòng sông nổi tiếng của Thừa Thiên Huế: Sông Hương, sông Ô Lâu...

Du khách và nhân dân địa phương sẽ có điều kiện chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo của Huế, đồng thời triển lãm cũng góp phần tri ân các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật - những người đã có những đóng góp vào công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các cổ vật trong thời kỳ hiện nay.

“Câu chuyện từ những dòng sông” tập trung vào 2 chủ đề chính:

Chủ đề 1: “Sông Hương kể chuyện” giới thiệu những hiện vật gốm thời Trần, Lê cho đến nhà Nguyễn từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XX được tìm thấy dưới dòng sông Hương. Các hiện vật gốm thời kỳ này mang nhiều nét đặc trưng gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Cố đô nói riêng.

Chủ đề 2: “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” giới thiệu bộ sưu tập gốm với các loại hình phong phú, có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu, chủ yếu mang đặc trưng của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên.

Những hiện vật này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của vùng đất Thừa Thiên Huế, là cơ sở về mặt khoa học và lịch sử quan trọng phục vụ trong công tác nghiên cứu.

Gần 300 hiện vật được trưng bày lần này có thể xem như những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung về di sản văn hóa, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô xưa.

Đây là cuộc triển lãm phối hợp lần đầu tiên giữa một bảo tàng công lập và một bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn