MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Trần Thuỳ Mai (thứ 3 từ phải) ra mắt 2 bộ tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu và Công chúa Đồng Xuân tại Ngày hội sách và Văn hoá đọc ở Huế. Ảnh: Tường Minh

Huế với tham vọng sách tìm người đọc

Tường Minh LDO | 21/04/2023 08:22
Huế - Phải làm sao để sách tìm người đọc chứ không phải để người đọc đi tìm sách.

Huế sách – Huế sạch

Những ngày này, Huế đang rộn ràng với Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - năm 2023 cùng hàng chục sự kiện từ giới thiệu sách mới, triển lãm sách cổ, nói chuyện truyền cảm hứng về văn hoá đọc, ra mắt Tủ sách Huế trong trường đại học.

Triển lãm sách cổ về 33 điều răn của vua Minh Mạng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế 

Và đích đến của những sự kiện này là làm sao để sách tìm người đọc chứ không phải để người đọc đi tìm sách và cũng để trả lời câu hỏi: Thực tế, một số mô hình như tủ sách trường học, câu lạc bộ đọc sách, hình thành đường sách… cũng đã được triển khai ở Huế nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. 

Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế hướng phát động chương trình "Huế sách - Huế sạch" với mục tiêu đưa Huế trở thành một trong những tỉnh có tỉ lệ người dân đọc sách cao nhất cả nước qua chương trình “Thúc đẩy văn hóa đọc ở Thừa Thiên Huế”. 

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, “Huế sách - Huế sạch” là thông điệp mà Viện muốn gửi đến mọi người. Là hãy quyết tâm xây dựng nơi chúng ta đang sống sạch hơn về môi trường và sạch hơn trong tâm hồn với những cuốn sách và thói quen đọc sách. 

Và thông điệp này xuất phát từ thực tế được thống kê: Trung bình mỗi năm, mỗi người Việt chỉ đọc chưa đến một cuốn sách. Tỉ lệ này ở Huế cũng không cao hơn là bao dù địa phương này được mệnh danh là “thành phố sách”.

Thực tế nữa là lâu nay, một số mô hình như tủ sách trường học, câu lạc bộ đọc sách, hình thành đường sách… cũng đã được triển khai ở Huế nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

Nguyên nhân, theo ông Cung Trọng Cường là nằm ở cách làm. “Như đường sách Hai Bà Trưng ở thành phố Huế, chưa hiệu quả vì vị trí, đối tượng chưa phù hợp. Người ta đã không thích đọc mà còn phải đi tìm sách thì rất khó. Phải làm sao để sách tìm người đọc”, ông Cường nói. 

Vậy nên, chương trình “Thúc đẩy văn hoá đọc ở Thừa Thiên Huế” sẽ có nhiều cách làm mới. Trước hết, đây là chương trình phi lợi nhuận, mang tính cộng đồng. Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế có vai trò kết nối, thúc đẩy. 

“Hiện, chúng tôi đang kết nối với nhiều nhóm hoạt động liên quan đến sách trong cả nước, như chương trình sách hóa nông thôn; tủ sách công sở; các nhóm trao đổi sách qua facebook…

Từ những nhóm đơn lẻ, khi quy tụ lại, thúc đẩy, động viên, định hướng, sẽ có chương trình tổng thể để đi nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chương trình sẽ hoạt động trên nền tảng này”, ông Cường cho biết.

Đọc sách không chỉ là thói quen

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, từ năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND về “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. 

Một trong nhiều hoạt động tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc ở Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải 

Theo đó, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, chú trọng. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngày càng kịp thời, chặt chẽ; các nội dung của đề án được triển khai thực hiện lồng ghép với các chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa, giáo dục và các đề án khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, hàng năm, nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21.4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23.4, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cổ vũ văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân. 

“Những năm qua, văn hóa đọc đang nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành trong tỉnh, việc đọc sách không chỉ trở thành một thói quen mà còn là một công cụ để hướng tới xây dựng cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp, nhân văn hơn.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, Sở đã giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế trong hệ thống thư viện công cộng; Ngày sách và Văn hoá đọc năm 2023, Tủ sách Huế đã được đưa vào Trường đại học Khoa học Huế với hơn 200 đầu sách nhằm mục đích nâng cao thói quen và kỹ năng đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng tình yêu đối với sách và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên”, TS Phan Thanh Hải nói. 

Bên cạnh đó, Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế còn chỉ đạo Thư viện Tổng hợp xây dựng và triển khai kế hoạch về Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thừa Thiên Huế như tổ chức các hoạt động như tuần lễ đọc sách miễn phí cho học sinh; tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc và luân chuyển sách báo về cho các đồn biên phòng, chiến sĩ vùng biên giới ở A Lưới… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn