MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi Pu tạo hình trong các MV mới. Ảnh: NVCC

Hương vị truyền thống của cocktail nhạc trẻ

Nguyễn Trương Quý LDO | 01/09/2020 19:17
Thế hệ nào cũng có những tác giả và nghệ sĩ biểu diễn trăn trở tìm một cách hát “bài hát Việt”.

1.

Khi tôi bắt đầu tìm kiếm những ca sĩ của dòng nhạc dân gian đương đại, tôi cố nhớ tên một ca sĩ nổi lên từ một chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình cách đây vài năm. Tôi hỏi các cháu tôi. Chúng nói, “bây giờ bài hát được nghe chỉ tính bằng tuần, nên câu hỏi của chú không thể trả lời được”. 

Một người bạn hiểu biết về âm nhạc gỡ bí. Anh nói, nếu tôi muốn tìm hiểu thế hệ mới này nghe nhạc ra sao, tôi cần thời gian làm quen với danh mục các bài hát thịnh hành. Nhưng bạn tôi bảo, điều ấy hóa ra không dễ, vì vòng đời những bài hát đương đại khá ngắn. Bài hát của thập niên trước được xem như rất xa xôi. Tôi băn khoăn, vậy sự có mặt của những yếu tố truyền thống có trong nhạc trẻ đương thời là những gì? Liệu câu hỏi này có lạc thời không? 

Bạn tôi bắt đầu giảng cho tôi bằng một bài hát đình đám của năm 2016 - bài "Ông bà anh" (Lê Thiện Hiếu). Điều đặc biệt của bài hát này là sự so sánh, sự hoài niệm, sự khao khát một tình cảm thuần khiết: “Và thời ấy, bình dị lắm con ơi! Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời”. Cái thời mà Lê Thiện Hiếu mượn giọng ông bà để kể, các thanh niên Việt Nam buổi đầu tân nhạc đã lo lắng sự phôi pha của các âm hưởng cổ truyền dân tộc trong việc cạnh tranh với các bài hát Tây. "Ông bà anh" đã tuyên ngôn và nỗ lực tìm cách viết những bài hát “nhạc cải cách” của riêng người Việt - nhiều bài trong số chúng đã trở thành những bài tân nhạc khai mở nền âm nhạc đại chúng Việt Nam.

2.

Thế hệ nào cũng có những tác giả và nghệ sĩ biểu diễn trăn trở tìm một cách hát “bài hát Việt”. Chẳng hạn, người anh cả của tân nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát - mặc dù học ở Viễn Đông nhạc viện, trường nhạc chính quy duy nhất của người Pháp thời 1927-1930, nhưng cả cuộc đời ông bận tâm khai thác vốn âm nhạc truyền thống.

Tiếp bước ông, người làm nhạc suốt thế kỷ XX đều cố gắng tạo ra một nhận diện về sắc thái Việt Nam, biến những hình thức Tây phương thành bản địa, chẳng hạn điệu valse được dùng cho những chủ đề thôn dã, hay điệu rumba và bolero đã được Việt hóa đến độ trở thành một sản phẩm rất đặc trưng cho các đô thị miền Nam một thời. Bạn tôi kết luận rằng, các nhạc sĩ hồi trước biến cải và sử dụng các làn điệu cổ truyền, giống như họ chưng cất một loại rượu gạo, uống vào là say. Còn bây giờ, các nhạc sĩ trẻ, để chinh phục khẩu vị công chúng cùng thế hệ, sẽ phải tìm cách pha những ly cocktail hợp thời. 

Tôi thắc mắc, vậy thế hệ trẻ đã có một Trần Tiến, Nguyễn Cường, Vũ Đức Sao Biển hay Phó Đức Phương của mình chưa, những người đã khuấy động tâm cảm chúng tôi vì năng lượng nghệ thuật khai thác từ cái mỏ âm nhạc truyền thống? Bạn tôi không trả lời mà mở điện thoại cho tôi xem các video ca nhạc (MV) chủ đề cổ trang hoặc khai thác chất liệu nghệ thuật truyền thống. Đủ cả, từ hình thức đến ngôn ngữ âm nhạc.

Hoàng Thuỳ Linh tạo hình trong các MV mới. Ảnh: NVCC

Những ca sĩ thế hệ trước có một lợi thế: Sự ổn định của nền tảng truyền thống. Người nghe dựa vào các bảng xếp hạng chính thống, các lượt bình chọn trên một vài trang nhất định, hay các nhà bình luận tên tuổi trên các tờ báo uy tín. Các phương tiện ấy đều được các thế hệ đọc và nghe chung. Ngày nay, vẫn là lời bạn tôi nhận xét, để chọn được bài hát, người nghe như tôi cần có guide (người hướng dẫn) thì mới  tìm được cái mình muốn. Đó là còn chưa kể đến nghe những bài hát thuộc dòng chủ lưu hay những bài hát thể nghiệm (indie) quy mô trong các nhóm nhỏ, mỗi một trải nghiệm đối với người ở bối cảnh khác bước vào như tôi cần chấp nhận một vài luật chơi. Luật chơi ấy là: Thay vì tìm kiếm những gì gần gũi với mình, tôi tìm kiếm những gì có thể giúp tôi định nghĩa tâm tình của thế hệ sống trong bối cảnh ấy. Ở đây, tôi không bị thất vọng. 

Quả là có một cái duyên của tuổi trẻ trong dòng các MV bài hát khai thác các chất liệu truyền thống, từ "Để Mị nói cho mà nghe", "Em đây chẳng phải Thúy Kiều", "Duyên âm" cùng các bài trong album Hoàng (Hoàng Thùy Linh), Cung đàn vỡ đôi (Chi Pu), Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) hay Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc). Có thể thấy những cố gắng đan cài các vấn đề truyền thống trong hình ảnh lẫn âm nhạc của các ca sĩ trẻ. Có khi là cảnh Hoàng Thùy Linh mặc váy kẻ Burberry nhảy cùng nhóm múa trang phục người Dao, hay câu chuyện Ngưu Lang không gặp được Chức Nữ đặt trong bối cảnh một trò chơi điện tử đã kết thúc, “game over” hiện lên màn hình, nhân vật do Thùy Linh đóng liên tưởng đến một cú đảo ngược: Trò chơi kết thúc mà chuyện chưa xong, kẻ làm người khác tương tư giờ hóa thành kẻ tương tư… 

Các đạo diễn hình ảnh và âm nhạc dường như có đủ thế mạnh để tạo ra những ý tưởng nhiều lớp lang, từ câu chuyện người nữ diễn viên cải lương song song chuyện hoạt động cách mạng ở thế kỷ trước trong bài hát của Chi Pu, đến câu chuyện tình tay ba Chí Phèo Thị Nở và nhân vật con trai Bá Kiến do Đức Phúc hóa thân. Xu hướng tầm chương trích cú lẩy từ các tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường tỏ ra khá “bắt trend” (thuật ngữ giới trẻ dùng để nói về các xu hướng thịnh hành) khi trường liên tưởng về bối cảnh được đào xới không giới hạn. 

Không chỉ tận dụng hơi hướng cổ trang hay hoài niệm trong hình ảnh, phục trang, đồ họa video, cũng như nét nhạc ngũ cung cùng nhạc cụ truyền thống pha vào bản phối, những suy tư về lịch sử đã qua hay câu chuyện thế hệ cũng có những tìm tòi thú vị. Người nghe ở thế hệ trước vốn quen với âm nhạc nhiều mô tả gián tiếp với những hình ảnh hoa mỹ sẽ có chút ngỡ ngàng, song nếu ai đã quen với những bài hát “kể chuyện” kiểu “tôi đứng trông sang nhà người giỏi chăn nuôi” (Nguyễn Văn Tý) hay “đêm trăng sáng đi Tây về em nhảy điệu Lambada” (Trần Tiến) thì các bài hát "Ông bà anh" (Lê Thiện Hiếu) hay "Thật bất ngờ" (Trúc Nhân) có thể coi như một sự nối tiếp hữu ý, cả về việc khai thác các môtip thời bao cấp hay câu chuyện thế hệ. Có chút gì đó luyến nhớ thời xưa cũ, cả những thương khó nhọc nhằn. Các bài hát mới cũng đậm đặc một phong cách dí dỏm, hài hước, thứ cho đến giờ vẫn là của hiếm trong âm nhạc Việt Nam. 

Có thể nói, lối viết pha lẫn các đoạn hát rap, ứng tấu phổ biến trong các bài hát hiện nay cho thấy người viết lẫn người hát trẻ nhận ra thế mạnh của chúng trong việc diễn đạt các quan điểm về đời sống sao cho uyển chuyển. Chẳng hạn, lối hát có những câu bỏ nhỏ đắt giá trong bài hát đình đám "Vợ người ta" (Phan Mạnh Quỳnh) diễn đạt thái độ tưng tửng của một anh chàng trai quê khi người yêu đi lấy chồng, dường như cho thấy tâm trạng giới trẻ băn khoăn trước sự va chạm của lối sống đương đại với các giá trị cũ trong bối cảnh nông thôn.

Những bài hát như thế này là một lời đáp cho những "Sao em nỡ vội lấy chồng" của hơn 30 năm trước, khi viết về khu vực nông thôn, địa bàn bị bỏ rơi trong thời đô thị hóa và toàn cầu hóa.

3.

Khi tôi không xem MV nữa mà nghe qua các ứng dụng âm thanh, tôi nhận thấy mạch truyền thống có vẻ thu hẹp lại. Thậm chí, nhiều bài hát được chủ ý hát không rõ lời. Bạn tôi nói một điều mà tôi không thể đồng tình hơn: Chúng đem lại cảm giác nhân nhẩn như uống một ly cocktail có một vị mặn ngọt mơ hồ của xí muội cùng mùi hương phảng phất từ mẩu lá bạc hà quá khứ. Sự ổn định của hương vị thế hệ âm nhạc hình như vẫn đang được chế tạo, một truyền thống mới vẫn đang chờ hoàn tất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn