MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình mở đầu buổi lễ Khai mạc Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Đắc Thành

Khai hội làng nghề truyền thống Huế năm 2017

Nguyễn Đắc Thành LDO | 28/04/2017 23:06
Tối 28.4 tại bia Quốc học, TP. Huế, Ban tổ chức Festival Huế đã tổ chức lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách theo dõi.

Với chủ trương khôi phục, gìn giữ và phát triển các nghề, làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, từ 2005 đến nay, UBND thành phố Huế đã tổ chức Festival nghề truyền thống vào các năm lẻ. Festival nghề truyền thống Huế đã trở thành nơi hội tụ, biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế và nhiều địa phương trong cả nước.

Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế-thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố Festival của Việt Nam.

Festival nghề truyền thống Huế năm nay có sự góp mặt của 327 nghệ nhân đến từ 59 đơn vị thuộc 40 làng nghề, cơ sở nghề tham gia, trong đó có 35 đơn vị trong tỉnh và 24 đơn vị ngoại tỉnh, giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, tập trung các nhóm nghề; Dệt, Thêu, Gốm, Mộc mỹ nghệ, Mây tre, Nón lá, Kim hoàn, Tranh dân gian, Pháp lam, Hoa giấy, đồng, làm Mõ, Đèn lồng và Lọng đèn; Nhang trầm, Nghề đệm bàng, Diều, nghề làm đầu lân.

Các đối tác nước ngoài tham gia có 34 nghệ nhân và thợ đến từ các thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka và Công ty thêu Shuei (Nhật Bản); Quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc); Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa, thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Các chương trình tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 gồm có; Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; Chương trình biểu diễn trang phục dệt may “Hội tụ bản sắc Châu Á”, với sự tham gia của 12 nhà thiết kế Huế-TP.HCM-Hà Nội và sự tham gia của 5 nhà thiết kế Châu Á (Philippines, Thái Lan, Inđonesia, Myanmar, Malaysia) với các bộ sưu tập sử dụng chất liệu dệt may truyền thống lụa, tơ tằm, đũi, thổ cẩm các dân tộc Thái, H,mong, H’Rê, Zèng dân tộc Tà ôi và nghề truyền thống các nước; Lễ hội Áo dài “Hội họa Huế và Áo dài” Tại Cầu Trường Tiền; Chương trình nghệ thuật Hát mừng Tổ quốc thống nhất; Lễ rước tôn vinh Nghệ nhân và làng nghề. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng như liên hoan sắc màu tuổi thơ, liên hoan diều, triển lãm ảnh, ca Huế thính phòng, không gian thư pháp, biểu diễn võ cổ truyền, lễ hội khinh khí cầu....

Festival nghề truyền thống Huế đã trở thành nơi hội tụ, biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế và nhiều địa phương trong cả nước. Ảnh: Đắc Thành

 

Bia Quốc Học là nơi được chọn để làm lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Đắc Thành.

 

Những chương trình nghệ thuật đầy màu sắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, các ca sĩ. Ảnh: Đắc Thành.

 

Cuối chương trình là màn bắn pháo hoa chào đón Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Đắc Thành.
Dù trời mưa nhưng vẫn thu hút được đông đảo người dân, du khách đến với lễ khai mạc Festiaval nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Đắc Thành

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn